Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, hoặc đóng cửa. Lao động, nhất là người nước ngoài, trong đó có Việt Nam, bị mất việc làm và phải về nước trước hạn hợp đồng. Để đảm bảo quyền lợi lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) đã thông tin chính sách của một số nước tiếp nhận nhân công nước ngoài.
Đài Loan
Lao động có quyền đăng ký tìm chỗ làm mới và không bị hạn chế số lần chuyển chỗ làm, cũng như lĩnh vực công nghiệp khác nhau. Trong thời gian 60 ngày lao động không tìm được người sử dụng mới thì phải về nước. Trường hợp này chủ sử dụng lao động phải cung cấp vé máy bay về nước và bồi thường cho lao động 1 tháng lương cơ bản theo hợp đồng một một năm làm việc (trường hợp lao động làm việc chưa đủ 2 tháng thì không có khoản tiền bồi thường này).
Nhật Bản
Đối với lao động là kỹ sư hoặc lao động kỹ thuật cao, chủ sử dụng phải thông báo trước 1 tháng cho lao động để họ chủ động tìm việc làm khác. Đối với lao động là tu nghiệp sinh và thực tập sinh, nghiệp đoàn sẽ tìm việc trong các xí nghiệp thành viên để đề nghị tiếp nhận lao động.
Đối với lao động không chuyển được sang xí nghiệp khác phải về nước, chủ sử dụng phải mua vé máy bay và đền bù 1 tháng tiền lương, trợ cấp cơ bản và giải quyết chế độ bảo hiểm nếu có cho lao động.
Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đang học tập quy định về an toàn lao động. Ảnh: CTV. |
Hàn Quốc
Lao động được các Trung tâm hỗ trợ tuyển dụng lao động nước ngoài (thuộc Bộ Lao động Hàn Quốc) đăng ký và giới thiệu việc làm mới. Trong 2 tháng, nếu lao động không có chủ sử dụng mới tiếp nhận thì phải về nước. Theo quy định chung, trong quá trình làm việc, lao động nước ngoài được chuyển chủ sử dụng không quá 3 lần.
Trường hợp lao động (cũng như tu nghiệp sinh trước đây) phải về nước thì chủ sử dụng có trách nhiệm bồi thường 1 tháng lương cơ bản trên một năm làm việc (lao động làm việc chưa đủ 1 năm thì không được bồi thường). Đối với lao động theo chương trình cấp phép lao động mới, tiền vé máy bay được trích từ tiền bảo hiểm hồi hương lao động đã tham gia ngay sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc. Đối với lao động trước đây là tu nghiệp sinh thì phải tự chi trả tiền vé máy bay.
Malaysia
Đối với lao động sang làm việc thông qua Công ty out-sourcing (công ty chuyên cung ứng nhân lực) khi bị chấm dứt hợp đồng trước hạn thì công ty có trách nhiệm chuyển lao động sang chỗ làm việc mới. Trong thời gian chờ việc làm mới, công ty có trách nhiệm trả lao động 500 ringgit một tháng. Lao động dạng này không bị hạn chế số lần chuyển chỗ làm việc.
Đối với lao động sang làm việc không thông qua công ty out-sourcing thì khả năng chuyển chủ mới khó khăn hơn do thủ tục phức tạp. Lao động có thể chuyển vào công ty out-sourcing để tìm việc làm mới. Trường hợp lao động không chuyển được sang chủ sử dụng mới thì phải về nước và được chủ sử dụng chi trả tiền vé máy bay, bồi thường 2 tuần lương cơ bản cho 1 năm làm việc.
Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE)
Việc chuyển chỗ làm ở UAE được quy định khá phức tạp, phụ thuộc vào trình độ và thời gian làm việc. Lao động phổ thông ít có cơ hội chuyển chỗ làm. Trường hợp công ty phá sản, bị thu hồi giấy phép, sát nhập..., lao động được miễn điều kiện về trình độ và thời gian làm việc để được chuyển chủ, nhưng phải đáp ứng điều kiện sau: phải được chủ sử dụng cũ cấp giấy không phản đối (NOC) và phải đóng phí chuyển chủ (phí này thường do chủ sử dụng mới chịu).
Lao động về nước được chủ sử dụng chi trả tiền vé máy bay về và trợ cấp 1 tháng lương cơ bản theo hợp đồng đối với người làm việc dưới 12 tháng; trợ cấp 2 tháng lương đối với người làm việc trên 1 năm, hoặc lao động có tay nghề làm việc dưới 1 năm.
Cộng hòa Czech
Không có quy định hạn chế số lần chuyển chủ, nhưng mỗi lần chuyển mới phải xin giấy phép lao động của địa phương nơi chuyển tới làm việc.
Nếu bị mất việc làm trước khi kết thúc hợp đồng (hợp đồng tối đa là 1 năm) thì chủ sử dụng phải bồi thường cho lao động 3 tháng lương. Việc giải quyết quyền lợi của lao động căn cứ vào pháp luật và hợp đồng chủ sử dụng ký với lao động.
Giảm bớt thiệt hại cho lao động Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, lao động phải về nước từ các quốc gia khác nhau, doanh nghiệp phải tiến hành thanh lý hợp đồng theo quy định của pháp luật (Thông tư liên tịch số 16/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 4/9/2007 của Liên Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính…). Việc thanh lý hợp đồng trên cơ sở quy định kết hợp hoàn cảnh cụ thể của từng người, có thể có hỗ trợ để giảm bớt thiệt hại cho lao động. |
Hồng Khánh