Quyền Linh trong một show game (Người Lao Động). |
"Còn 3 cái, 2 cái, và cái cuối cùng". Tiếng chàng MC tay ngang Quyền Linh hét lên khi sản phẩm cuối cùng trong vòng chơi được hoàn thành. Đây chính là lúc anh và khán giả căng người chờ đón kết quả từ chiếc đồng hồ tính giây. Bao nhiêu giây đã mất đi cho vòng chơi này? Ba mươi hay ba mươi mốt, hai con số tưởng chừng chỉ cách nhau một chớp mắt nhưng lại là khoảng cách lớn giữa việc được hay không được cấp vốn của những người thợ thủ công nghèo. Chiếc đồng hồ dừng lại ở giây thứ 30. Nước mắt mừng vui trào ra từ khóe mắt người chơi và khán giả. Chẳng khó khăn để nhiều người nhận thấy, chàng MC rắn rỏi kia cũng đang lau mắt cho mình.
Từ những ngày đầu cầm micro dẫn chương trình cho game show Vượt lên chính mình đến nay, Quyền Linh không đếm được mình đã bao nhiêu lần rơi nước mắt. Nước mắt của niềm vui chung với người thoát nợ, nước mắt từ nỗi buồn sẻ chia những phần thi không thành..., anh không nhớ nổi. Nhưng điều anh chưa và không bao giờ quên chính là những gương mặt đã đi qua, đã "vượt lên chính mình". Anh tâm sự: "Đóng khá nhiều phim, hóa thân vào các loại nhân vật nhưng chưa bao giờ tôi lại sống cùng với nhiều cảnh đời đến như vậy. Chỉ cần nhắm mắt lại, tôi đã nhìn thấy từng chương trình, từng mảnh đời gắn kết với mình trong hành trình làm MC không chuyên vừa qua". Những chị Dung gánh muối, chú Thum đan rổ, cô Duyên làm quạt... tất cả đều được "cất giữ" trong vùng ký ức trân trọng nhất của Quyền Linh.
Ngày đến nhà chị Kim Dung, một người gánh muối tại Khánh Hòa để quay clip phóng sự cho chương trình, nhìn mái nhà tranh rách bươm, chênh vênh trong gió, Quyền Linh thấy nặng lòng. Chồng chị Dung bệnh lao nặng, cả nhà sống nhờ vào đồng tiền còm cõi ngày ngày gánh muối thuê của chị. Nhà nghèo đến nỗi, một cây kim tiêm 4.000 đồng, chị Dung cũng không mua nổi để bác sĩ tiêm thuốc cho chồng. Đêm trước chương trình, anh em trong đoàn thấy Quyền Linh thao thức mãi. Anh cầu nguyện cho ngày mai, chị Kim Dung thành công.
Có lẽ bởi "ở hiền gặp lành" nên rất nhiều người đã chiến thắng trong trò chơi truyền hình này. Chị Kim Loan, huyện Cần Giuộc - tỉnh Long An, khi nghe số nợ 3 triệu đồng suốt nhiều năm không trả nổi của mình được xóa đã ngất xỉu. Bên ngoài, hai đứa con ngây thơ của chị không ngừng cổ vũ "Mẹ ơi, cố lên". Đến khi hoàn thành các vòng chơi, được cấp thêm 7 triệu đồng làm vốn, chị lại ngất lịm đi. Hai đứa trẻ khóc òa lên vì mừng. Không chỉ Quyền Linh, cả làng hôm ấy đã rơi nước mắt. Họ mừng cho người thắng cuộc bởi từ bước đầu này, những chị Dung, anh Thum, chú Giàu, cô Duyên... sẽ có được một cái "cần câu", có cơ hội để thay đổi cuộc sống cơ cực vẫn bám riết lấy họ bao năm.
(Theo Người Lao Động)