- Bận rộn với nhiều show diễn, anh dành thời gian nào cho thể thao?
- Thời gian đóng phim không cố định, lại nay đây mai đó nên dù tôi và nhiều anh em trong đội bóng đá nghệ sĩ TP HCM rất đam mê nhưng vẫn không thể duy trì tập luyện, thi đấu một cách thường xuyên được.
Trận đấu với đội nghệ sĩ Hàn Quốc vừa qua, buổi sáng tôi vẫn tham dự đại hội Hội Điện ảnh tại Hà Nội, trưa bay về TP HCM, chiều ra sân Thống Nhất đá luôn. 15-20 phút đầu còn "sung". Sau đó mệt hết hơi luôn nhưng vẫn ráng. Chúng tôi chơi thể thao vì niềm đam mê nên những chuyện như vậy chỉ là chuyện nhỏ.
Diễn viên Quyền Linh.
- Ngoài việc chơi bóng, niềm đam mê bóng đá của anh còn được thể hiện ở điểm nào nữa?
- Bóng đá nước ngoài tôi ít xem. Tôi cũng không hay theo dõi các đội trong nước thi đấu. Nhưng tôi rất mê đội tuyển Việt Nam. Mỗi khi có đội tuyển đá tôi đều tìm cách đi xem bằng được, hầu như không bỏ trận nào. Tôi yêu thật tình những Hồng Sơn, Huỳnh Đức...
Hòa vào niềm vui chiến thắng của đội tuyển, tôi từng tham gia những buổi diễu hành đầy cuồng nhiệt trên đường phố. Cảm xúc của tôi gắn liền với sự thành bại của đội tuyển. Trận chung kết Tiger Cup 1998, đội tuyển Việt Nam thua Singapore bởi một bàn thắng lãng xẹt, tôi buồn quá thế là khóc luôn.
Có hai trận đấu ấn tượng mà tôi không bao giờ quên là trận Việt Nam - Singapore và trận Lào thắng Malaysia 1-0 bằng bàn thắng của Keolakhon giúp đội Việt Nam vào bán kết một kỳ SEA Games. Nghe nói sắp không còn Tiger Cup, tôi rất buồn. Liệu có còn được chứng kiến đội tuyển Việt Nam thi tài cùng các đội bóng trong khu vực?
- Theo anh, giữa cầu thủ và nghệ sĩ có điểm gì chung?
- Những cầu thủ cũng là những nghệ sĩ biểu diễn trên sân bóng. Chứng kiến những màn biểu diễn ấy cũng là đông đảo công chúng. Khi họ diễn hay, khán giả cũng vỗ tay khen ngợi và ngược lại.
Thực tình cả cầu thủ và diễn viên đều là thứ nghề bạc bẽo, ở trong tình cảnh làm dâu trăm họ. Họ đều là những người nổi tiếng, hình ảnh của họ thuộc về công chúng. Hồng Sơn, Huỳnh Đức có thể có những trận đấu mà cả nước đều vỗ tay khen ngợi, hoan nghênh đến tột đỉnh. Nhưng nếu chỉ cần một trận đấu họ mệt mỏi, thi đấu không đúng phong độ, ngay lập tức bị chỉ trích, thậm chí bị dìm xuống tận cùng của tội lỗi.
Thể thao và nghệ thuật có sự tương đồng như vậy. Điều đó cũng cho thấy cả cầu thủ và nghệ sĩ cần phải phấn đấu, đừng để xuất hiện những tác phẩm quá tồi làm phụ lòng người hâm mộ.
- Còn điểm khác nhau?
- Nhìn vào thực trạng thấy bóng đá Việt Nam còn đầy rẫy những tiêu cực. Giới nghệ sĩ ít phức tạp hơn. Nghệ sĩ thực sự có tài công chúng mới công nhận. Anh hát hay lại cố tình hát dở người ta biết liền. Cũng không thể cố tình làm như vậy được.
Khi trình diễn, nghệ sĩ thực hiện những màn độc diễn. Còn cầu thủ thi đấu là tham gia vào một trò chơi tập thể. Vì thế khó có thể xác định chính xác anh ta thi đấu có thực sự hay không. Dính tiêu cực, anh ta đá cuội. Màn diễn kịch thực sự ấy có vô vàn lý do được đem ra để nguỵ biện: phong độ không tốt, thể lực không đảm bảo...
Nghệ sĩ không phải không có tiêu cực, nhưng đến mức phải cấm trại hàng tháng trời, thu điện thoại như các cầu thủ thì quá đáng quá, chẳng khác gì tội phạm. Các cầu thủ hiện nay thật tệ. Tôi không nói các thế hệ cầu thủ trước đây không tiêu cực nhưng họ chẳng lộ liễu như bây giờ.
Đọc báo tôi thấy rất buồn vì những nghi án mua bán độ, sắp xếp tỷ số tại giải hạng nhất. Cứ như vậy thì bóng đá chuyên nghiệp VN sẽ đi đến đâu, bao giờ mới vươn lên tầm Đông Nam Á? Theo tôi, mỗi cầu thủ cần tự kiểm điểm lại nhân cách của mình. Đồng thời Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng cần tăng cường hơn nữa việc giáo dục nhân cách cho cầu thủ.
- Điện ảnh Việt Nam hiện chưa có tác phẩm nào phản ánh chân thực hiện trạng thể thao nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng. Anh suy nghĩ gì về vấn đề này?
- Quả đúng như vậy. Vừa rồi cũng có bộ phim về đội bóng U14 nhưng chưa đủ để nói lên điều gì. Tại sao lâu nay chúng ta lại quên đi một mảng hiện thực cuộc sống ngồn ngộn tư liệu như vậy? Bóng đá có nhiều tiêu cực, phải đưa điều đó lên màn ảnh vì đấy là cuộc sống.
Lý giải về sự chậm trễ này, có thể do các vấn đề của thể thao không nóng bằng một số vấn đề xã hội khác như tệ nạn xã hội, dân lắc... Còn các nghệ sĩ dù nhiều người đam mê cả thể thao, có sự nhạy bén nghề nghiệp nhưng do tất bật quá mà quên đi đề tài này chăng? Vậy thì cần phải khơi dậy lại cho họ. Là một thành viên trong Ban Chấp hành Hội Điện ảnh TP HCM, tôi sẽ đưa vấn đề làm phim về thể thao ra thảo luận tại cuộc họp ban chấp hành vào tháng 9 tới.
Tôi tin tưởng loại phim này sẽ thành công bởi các vấn đề về thể thao được đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ, thường xuyên quan tâm theo dõi. Hơn nữa nhiều nghệ sĩ có "máu" thể thao nên việc thực hiện chắc chắn có nhiều thuận lợi.
- Nếu là một đạo diễn làm phim thể thao, anh sẽ lựa chọn đề tài, diễn viên như thế nào?
- Trước hết tôi sẽ làm phim về bóng đá, môn thể thao vua ở Việt Nam có rất nhiều chuyện cả ở ngoài ánh sáng lẫn trong bóng tối. Đóng vai chính phải là diễn viên chuyên nghiệp. Các cảnh trên sân cỏ sẽ do các cascadeur đóng. Có thể mời các cầu thủ nổi tiếng đóng một số vai thứ.
Tôi không thích những phim thương mại câu khách bằng cách mời một số ngôi sao ở lĩnh vực khác tham gia. Những diễn viên nghiệp dư này không thể làm nên một bộ phim tầm cỡ. Vì thế dù Văn Quyến đá bóng rất giỏi tôi cũng không mời đóng vai chính. Trừ trường hợp anh ta có cả năng khiếu diễn xuất thì quá tốt. Nhưng rất khó có trường hợp đỉnh cao "hai trong một" như vậy.
- Theo anh, vì sao các vận động viên thể thao không thể đóng phim?
- Nghề nào cũng thế, "nhất nghệ tinh nhất thân vinh". Để tinh một nghề cần phải rèn luyện qua nhiều thử thách và rất lâu dài. Để trở thành một vận động viên thành tích cao là rất khó khăn. Còn thời gian sức lực đâu nữa để học diễn xuất.
Các vận động viên bóng chuyền nữ có thể hình đẹp không thua bất cứ diễn viên chuyên nghiệp nào. Nhưng trong điện ảnh thể hình đẹp chỉ như một cái cớ mà thôi. Võ sĩ wushu Thuý Hiền từng đóng phim nhưng có thể nhận thấy rõ sự nghiệp dư đến mức yếu đuối trong bộ phim đó.
VĐV bóng chuyền Phạm Kim Huệ - người Quyền Linh muốn mời đóng phim. |
Tuy nhiên, cũng không loại trừ những ngoại lệ cho một số người có năng khiếu bẩm sinh. Đội trưởng Kim Huệ của đội bóng chuyền nữ Việt Nam là một trường hợp như vậy. Ấn tượng nhất là ánh mắt long lanh của cô ấy sau mỗi cú đập bóng.
Trong điện ảnh đôi mắt rất quan trọng. Điện ảnh thể hiện bằng đôi mắt là chính. Tất cả nội tâm của nhân vật đều được thể hiện qua cửa sổ của tâm hồn. Nếu tôi là đạo diễn, tôi sẽ mời Huệ đóng phim liền.
- Vậy ngược lại, các nghệ sĩ chơi thể thao chuyên nghiệp thì thế nào?
- Điều này khó hơn cả việc vận động viên đóng phim. Rất nhiều nghệ sĩ ham mê thể thao như Việt Anh, Hoàng Sơn, Bảo Quốc, Tuấn Hưng, Phước Sang... nhưng họ không thể chơi thể thao chuyên nghiệp vì cần có thời gian tập luyện lâu dài, bền bỉ, khắc nghiệt, thậm chí phải được tích luỹ từ nhỏ. Nếu ai có thời gian làm chuyện đó, hẳn không làm nghệ sĩ được nữa. Thêm nữa, các nghệ sĩ có thể mạnh mẽ về tinh thần nhưng sức khoẻ khó đảm bảo cho việc vận động liên tục ở cường độ cao.
(Theo Netnam)