- Là cháu nội của một nghệ nhân đàn tranh, nhưng không theo nghề gia truyền mà anh lại rẽ ngang thành diễn viên. Đó phải chăng là ước mơ tuổi thơ của anh?
- Tuổi thơ à, tôi là anh nhà quê đâu biết diễn viên là gì đâu. Hồi bé tôi mê cải lương. Nhà ở vùng nông thôn Tiền Giang, cách thị xã tới 20 km, nhưng cứ mỗi lần có đoàn cải lương về là tôi băng đồng lội nước đi xem. Lúc đó, tôi rất mê Minh Vương, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ, Bạch Tuyết... và cũng thầm mong sau này được như họ. Nếu ở miền Tây, đâu người ta cũng chỉ biết đến cải lương mà không có loại hình nghệ thuật nào khác. Trên TV, trên đài cũng toàn phát cải lương. Tôi cũng vậy, cũng nghêu ngao được vài câu.
- Không có khái niệm về điện ảnh, không biết nghề diễn viên là gì, vậy con đường nào đưa anh đến nghiệp này?
- Khi đang học lớp 12, có đoàn văn hóa tỉnh xuống trường tuyển diễn viên. Các bạn nói tôi thi thử xem sao. Sau khi hoàn thành xong phần hát cải lương, họ yêu cầu múa, tôi đành huơ chân múa tay theo điệu vậy. Thi xong, một vị trong ban giám khảo hỏi: "Em có muốn đi xuống tỉnh học không?".
Tuần sau đó tôi xuống tỉnh học, cả trường biết. Lúc đó cũng oai lắm, tôi được xem như "nhân tài" của trường. Một tuần sau, tôi mới biết tỉnh chọn học sinh đưa lên học tại trường Sân khấu điện ảnh trên Sài Gòn. Nhưng để lên thành phố, tôi phải trải qua một cuộc thi nữa vì tiêu chuẩn đi học chỉ có 15 người trong số gần 200 người được chọn từ trường.
Diễn viên Quyền Linh. Ảnh: Phong Cách Việt |
- Anh đã phải vượt qua khó khăn nào trong kỳ thi tuyển đó khi không có chút kinh nghiệm và ít kiến thức về nghề diễn như anh?
- Khi đó tôi rất sợ vì thực sự không kiến thức diễn cải lương chứ đừng nói gì đến kịch. Nhìn thấy Ban giám khảo, tôi sợ lắm. Mấy hôm sau tôi đón xe lam ra tận tỉnh hỏi kết quả, nhưng vẫn chưa có. Tôi về nhà, xin mẹ tiền đi mua thật nhiều diều chỉ để thả. Ở quê tôi có tục, muốn ước mơ gì thì đi thả diều, diều càng bay cao thì khả năng mơ ước thành hiện thực càng lớn.
- Cánh diều đó đã mang lại may mắn cho anh, và anh bắt đầu bước qua những thử thách đầu tiên thế nào?
- Nhận được giấy báo trúng tuyển, đêm đó tôi không ngủ được vì cứ nghĩ đến cảnh huy hoàng đang chờ đón ở thành phố. Ôi trời, khi đến cổng trường Sân khấu điện ảnh thì vô cùng thất vọng. Cái gì cũng tồi tàn và cũ nát, chúng tôi thường gọi đó là "trung tâm tàn phá nhan sắc". Thời bước chân vào trường cũng chính là thời điểm xóa bỏ bao cấp nên cuộc sống càng khó khăn. Cái gì cũng phải bỏ tiền túi ra. Không còn gì khổ hơn nữa. Nhưng có điều an ủi là chúng tôi thường được gặp những thần tượng như Thương Tín, Bảo Quốc... Lúc đó chỉ ao ước sờ vào người họ nhưng không dám.
- Tốt nghiệp xong, mối duyên điện ảnh đầu tiên nào mỉm cười với anh?
- Ngày nhận bằng tốt nghiệp cũng là ngày tôi lãnh luôn bằng thất nghiệp. Kịch nói hay điện ảnh đều có những diễn viên tên tuổi chiếm cả. Ký túc xá không còn suất cho sinh viên ra trường, khi bị kiểm tra, tôi toàn phải trốn trên trần hoặc trong toilet. Lúc đó, gặp việc gì cũng làm, miễn sao có thể sống và tồn tại.
- Với vai diễn trong "Khát vọng sống", khi nhân vật chính Lê Công Tuấn Anh mắc bận, anh đã ghi dấu ấn ban đầu. Nghĩ về ngày đó, cảm giác của anh thế nào?
- Đó chính là cơ hội và may mắn của tôi. Năm 1992, tôi đoạt giải 4 cuộc thi "Diễn viên điện ảnh". Đạo diễn phim Khát vọng sống mời tôi đóng vai phụ, hai vai chính là Kim Chi và Lê Công Tuấn Anh đảm nhận.
Khi phim sắp bấm máy, Lê Công Tuấn Anh bận đột xuất nên không tham gia được. Thế là đạo diễn Nguyễn Đạt Hải và Bùi Tuấn Dị đành phải tuyển diễn viên đóng thế từ 10 vai phụ kia. Tôi cũng tham gia thi tuyển. Casting xong, về nhà băn khoăn lắm. Tôi tự đặt ra giả thuyết, nếu đậu thì sao mà trượt sẽ thế nào? Tôi thức trắng cả đêm vì hồi hộp.
Sáng hôm sau, anh Dị nói "Mày rớt rồi", tôi buồn lắm. Thấy thế, anh Dị mới cười nói "Mày đậu rồi". Lúc này tôi vui lắm, hò hét ầm ĩ, gặp ai cũng khoe sắp được đóng vai chính trong phim, và đó là vai chính đầu tiên của đời tôi.
- Và anh có coi việc Lê Công Tuấn Anh bận là cơ hội cho mình?
- Tôi không nghĩ thế, vì đã là nghiệp thì không phải lúc này sẽ là lúc khác.
- Từ một vai phụ trong đoàn kịch nói Kim Cương với mức cát-xê hơn 3.000 đồng một đêm, nhận được vai chính trong "Khát vọng cuộc sống" với mức cát-xê 1,2 triệu đồng, lúc đó anh nghĩ gì?
- Được chọn đóng vai chính thực sự là thử thách đối với tôi. Lê Công Tuấn Anh lúc đó đã rất nổi tiếng, còn tôi hoàn toàn không có tên tuổi. Hồi còn ở đoàn kịch nói Kim Cương, tôi rất thần tượng anh Thương Tín. Tôi thần tượng vì mức cát-xê cao ngất ngưởng (100.000 đồng mỗi đêm) của anh. Cảm giác đổi đời à, tôi không nhớ nữa nhưng đúng là đổi từ Quyền Linh thiếu thốn sang Quyền Linh đủ ăn.
- Phim quay tại Hà Nội, vậy lần đầu tiên ra Hà Nội, cảm giác lúc đó của anh thế nào?
- Tôi vui lắm, được ở Nhà khách Chính phủ, được thăm lăng Bác mấy lần liền. Thời gian đó đúng vào đầu thu, buổi tối dạo quanh các con phố ngửi mùi hoa sữa, tôi thấy Hà Nội rất hay, rất thơ, nhiều hồ nước.
- Trong khung cảnh thơ ấy, áp lực vai chính đầu tiên của anh thay đổi ra sao?
- Áp lực vẫn còn nguyên. Trong thâm tâm, tôi sợ lắm, vì nếu không thành công thì đây sẽ là vai diễn chính cuối cùng của đời tôi. Đạo diễn cũng lo, luôn tìm cách cho tôi tự tin hơn, đóng tốt hơn.
Vai thành công là nhờ tôi diễn rất thật, không có vẻ diễn. Xem lại phim, tôi thấy mình thật ngây ngô. Trước khi công chiếu, áp phích băng rôn dán đầy tường. Buổi tối, tôi cứ đi ngắm hình tôi trên áp phích, băng rôn, cảm thấy thích lắm, oai lắm.
- Còn mối duyên với phim ngoài Bắc?
- Ngay cả đến bây giờ tôi vẫn là diễn viên Nam đóng nhiều phim Bắc nhất. Phim Bắc thường có chiều sâu và đầy tính nhân văn. Có lần tôi tự bỏ tiền túi ra Hà Nội trước khi quay cả một thời gian dài, mua một chiếc xe đạp và đạp ra ngoại thành lang thang.
- Thời của anh là điểm giao thời giữa hai dòng phim, anh nghĩ sao về may mắn ấy?
- Nếu so với Diễm Hương, Việt Trinh, Lý Hùng, Lê Công Tuấn Anh, Công Hậu... thì tôi là người kém may mắn. Thời làm phim "mì ăn liền", diễn viên nổi quá nhanh cùng với mức cát-xê cao ngất ngưởng. Nhưng tôi lại may mắn vì là lớp diễn viên đầu tiên trong thời điểm giao thời. Phim nghệ thuật sống lâu, nhưng phát triển không mạnh.
Tôi đã đóng hàng trăm tập phim truyền hình, có thời gian cứ mở mắt là nhìn thấy máy quay. Tôi thấy thực sự mệt mỏi và không muốn đóng phim nữa. Chắc lúc đó tôi có tuổi rồi. Đời diễn viên cũng có giới hạn. Khi "tấm màn nhung" khép lại, người nghệ sĩ cảm thấy buồn thê thảm. Tôi cũng vậy. Nhiều khi buồn phát khóc khi không còn đứng trên sân khấu mà phải ngồi làm khán giả, thế là tôi học đạo diễn. Bốn năm học đạo diễn, thời gian tôi đóng phim còn nhiều hơn học. Tôi cũng xác định, đạo diễn là con đường gắn mình với nghề.
- Nhưng không thấy anh làm đạo diễn mà lại đi hát kiếm tiền, tại sao vậy?
- Đúng là làm đạo diễn không đơn giản. Có phải cứ làm ra phim là thành đạo diễn đâu, phim phải thế nào mới dám nhận là đạo diễn chứ. Hiện tại tôi quá bận, chưa có thời gian đầu tư cho nghiệp đạo diễn. Tôi cũng nói thật là đi hát nhiều tiền hơn đóng phim. Giọng tôi không hay nhưng cũng không đến nỗi dở. Tôi đi hát vẫn lấy nghệ danh là diễn viên Quyền Linh chứ có bao giờ dám nhận là ca sĩ Quyền Linh đâu.
Ảnh: Phong Cách Việt |
- Thế còn vai trò MC trong chương trình "Vua bếp", "Tam sao thất bản", "Vượt lên chính mình" và bây giờ là "Siêu thị may mắn", đó cũng là do thương hiệu diễn viên Quyền Linh mang lại?
- Chắc vậy, tôi thật thà, ăn nói lại không lưu loát nhưng anh Xuân Cường động viên tôi theo kiểu "có sao nói vậy". Và may mắn là tôi đã được khán giả đón nhận.
- Còn ngón nghề nào nữa mà anh chưa tiết lộ?
- Tôi từng làm người mẫu, nhưng sớm phải bỏ nghề vì chiều cao không ổn lắm. Thật hài hước, các cô người mẫu cô nào cũng cao lại còn đi guốc. Cho nên, khi diễn tôi chỉ toàn nhìn thấy cổ của họ, phải nghểnh cổ lên mới nhìn thấy mặt họ. Khán giả nhìn thấy cười quá trời.
- Có người cho rằng anh quá bon chen khi dùng thương hiệu diễn viên Quyền Linh để tấn công các lĩnh vực khác như MC, ca sĩ và người mẫu. Anh thấy sao?
- Tôi không sợ người ta cho là bon chen. Với lại đi hát không phải với tư cách là ca sĩ, làm MC không phải tư cách MC, diễn thời trang cũng không phải với tư cách người mẫu, vậy là bon chen và tham lam à? Tùy mọi người nghĩ, còn tôi chỉ muốn được làm việc thôi.
- Đã bao giờ anh thất vọng về chính mình?
- Có chứ, đó là vai Nguyễn Xí trong phim dã sử Trùng Quang tâm sử. Vai diễn này tôi hy vọng nhất và mất nhiều công sức nhất, tý chết vì sốt rét, nhưng khi công chiếu thì không thành công, nhiều người chê "dở quá". Buồn lắm.
- Nghiệp diễn vất vả, công sức đền đáp được bao nhiêu so với những mong muốn?
- Diễn viên là cái hồn trong một tác phẩm điện ảnh, thế mà lương thấp, thu nhập cũng chỉ đủ ăn, nên tôi mới phải nhận đủ công việc thế này.
- Điện ảnh Việt Nam sân chơi còn quá rộng nên nhiều đạo diễn nước ngoài đã quyết định qua Việt Nam để đầu tư. Anh nhận định thế nào về điều này?
- Họ đến là do nhân công ở đây quá rẻ. Chắc chẳng có nước nào, cát-xê của diễn viên chính dưới 20 triệu đồng mà phải lao động cực nhọc cả ngày lẫn đêm suốt từ 3 đến 6 tháng cả. Điện ảnh cũng là một ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận cao nếu đầu tư đúng mức, vậy mà Việt Nam lại bỏ ngỏ. Hiện tại, ngành điện ảnh chưa có định hướng rõ ràng và vẫn chạy theo thị hiếu nhất thời. Muốn phát triển điện ảnh nước nhà, chúng ta phải đầu tư, phải cải cách, phải thực hiện một cuộc cách mạng điện ảnh thực sự.
- Nghiệp của anh đã tạm ổn, còn đời sống của anh ra sao?
- Cuộc sống nhẹ nhàng. Sau một ngày làm việc, tối về ngủ ngon và cảm thấy không cắn rứt lương tâm là được. Trước đây, tôi để trong nhà 2 lọ đậu đen và trắng. Lọ trắng dành cho những việc tốt và lọ đen dành cho những việc xấu. Tôi căn cứ vào tính chất của sự việc để lấy hạt đậu ra. Rất may là cuối tháng số đậu trắng còn trong lọ nhiều hơn.
- Nghĩa là anh thỉnh thoảng cũng... làm chuyện xấu?
- Không hẳn thế, nhiều chuyện chẳng làm hại tới ai cả, nhưng chẳng giúp gì cho tôi thì tôi cũng chọn hạt đậu đen. Và tôi hạn chế dần việc lấy hạt đậu đen ra.
- Bình thường, anh thích làm gì?
- Buổi sáng ngồi uống cà phê với bạn bè, tán về cuộc sống và công việc. Những lúc ấy tôi cảm thấy rất thoải mái và không bị áp lực công việc theo đuổi. Và đó cũng là lúc có thể chia sẻ niềm vui, nỗi buồn.
- Quyền Linh với các người đẹp thì sao?
- Tôi đánh giá cao vẻ đẹp tâm hồn. Thái độ giao tiếp cũng rất quan trọng. Đối với tôi, vẻ đẹp bên ngoài đã bão hòa vì tôi thường xuyên tiếp xúc với giới người đẹp mà.
- Anh thường đi đâu sau một ngày làm việc?
- Tôi về nhà, đó là chốn thanh bình. Và quan trọng hơn, nơi đó có vợ và con đang chờ mong. Ngày trước tôi cũng hay đi bar với bạn bè. Bây giờ thỉnh thoảng thôi, có thể là do đã có gia đình. Còn nghiện à, tôi chẳng nghiện cái gì. Nếu có, chắc là cà phê.
- Bây giờ, anh thấy mình được gì, mất gì?
- Mất thì nhiều và tôi không muốn nhắc đến. Cái được lớn nhất là đã thực hiện ước mơ làm nghề cho đến khi không thể.
- Khi về già anh định sẽ về quê hay một nơi nào khác nữa?
- Tôi luôn thèm một ly trà đá, một chén cơm với nước mắm, ly cà phê vỉa hè... những thứ mộc mạc thế làm gì tìm thấy ở đâu ngoài quê hương mình.
(Theo Phong Cách Việt)