Hôm đó là "ngày tất kỳ quặc" ở trường. Tôi đưa cho cậu đôi tất màu tím có viền vàng, đôi "kỳ" nhất mà chúng tôi có. Cuối ngày, cháu vui vẻ thông báo rằng, người có đôi tất kỳ quặc nhất lớp là một bạn đi tất cọc cạch, một chiếc đỏ.
Trường cấp một nơi con tôi học thường có những ngày học sinh được mặc đồ theo ý thích. Hôm thì "ngày mặc áo ngủ", hôm là "ngày trang phục dân tộc". Việc đó giúp mọi em thoải mái thể hiện cá tính, cũng để chúng được thấy bạn và thầy cô trong một hình thức khác, có thể độc đáo, có thể hơi điên rồ. Điều các em thu nhận được là cách nhìn mới về người xung quanh, khi họ không cùng khoác trên mình bộ đồng phục.
Vài năm trước, tôi đã tình nguyện trở thành người thúc đẩy D&I tại nơi làm việc sau gợi ý của tổng giám đốc. D&I là viết tắt tiếng Anh của "diversity & inclusion" (tạm dịch: đa dạng và bao gồm), một thuật ngữ đã trở nên khá phổ biến với các tổ chức và doanh nghiệp trong quản trị nhân lực. Nó hàm ý tôn trọng tính đa dạng của đội ngũ nhân viên và không phân biệt đối xử dựa trên độ tuổi, màu da, giới tính, chủng tộc, xu hướng tình dục, tôn giáo, quan điểm chính trị, vùng miền, nền tảng học vấn. Các doanh nghiệp, tổ chức thành công là nơi tôn trọng sự khác biệt mà mỗi cá nhân mang tới, cũng như cách con tôi được khuyến khích đi đôi tất kỳ quặc, và trao cho mỗi nhân viên cơ hội giống nhau để phát huy giá trị tiềm ẩn.
Tôi và nhóm mình đã rất phấn khích. Chúng tôi tổ chức ngày trang phục dân tộc, lễ hội ẩm thực quốc tế, ngày ủng hộ những người đồng tính-lưỡng tính-chuyển giới, ngày quốc tế phụ nữ, ngày quốc tế nam giới... và luôn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ mọi nhân viên. Sau đó, dù không phải ngày gì, vẫn có nhân viên mang tất kỳ quặc đi làm.
Cũng vì thế, tôi hay để ý xem quảng cáo tuyển dụng của các tổ chức có ghi chú "chúng tôi là tổ chức mang lại cơ hội bình đẳng cho mọi người" hay không. Và tôi thấy, tổ chức nước ngoài thường có tuyên bố này trong khi đa phần doanh nghiệp, cơ quan Việt Nam không đề cập gì khi tuyển dụng. Không hiếm doanh nghiệp còn liệt kê hàng loạt tiêu chí mang nặng phân biệt đối xử: chỉ tuyển nam giới, chỉ tuyển lao động nữ dưới 30 tuổi, không tuyển phụ nữ đã lập gia đình; thậm chí có nơi còn ghi rõ, lao động nữ sau khi được tuyển dụng không được sinh con trong vòng hai năm đầu tiên. Có nơi không tuyên bố, song âm thầm loại bỏ các ứng viên từ một số vùng miền, hay khuyết tật, thậm chí thấp lùn hoặc không xuất sắc về hình thức.
Hồi giữa tháng 2, Đại học Sư phạm TP HCM quy định chiều cao của thí sinh dự tuyển ngành đào tạo giáo viên thì mới đây, Học viện Tòa án lại tiếp tục đặt ra giới hạn về chỉ số chiều cao và cả cân nặng với các thí sinh. Đại học Sài Gòn vừa công bố không tuyển thí sinh sư phạm nói ngọng, dị tật. Các quy định này lại xuất phát từ những đơn vị giáo dục và tư pháp, vốn là biểu tượng của tính nhân văn và công bằng xã hội. Thay vì đáng ra phải là ngọn cờ đầu trong việc bảo đảm không thiên vị và đối xử công bằng với mọi người, những nơi này tự cho mình quyền được "sơ loại" nhằm gạt bỏ một nhóm người ra khỏi thị trường lao động dựa trên hình thức. Trong khi Bộ luật Lao động, ngay từ chương I đã nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo và khuyết tật.
Nhìn rộng hơn, mặc dù luật pháp đã quy định, thái độ phân biệt đối xử ở nơi làm việc vẫn phụ thuộc vào sự tự nguyện của từng tổ chức thay vì nhận thức nhất quán của toàn xã hội. Một doanh nhân nước ngoài chia sẻ với tôi rằng, càng tìm hiểu việc bố trí thiết bị thân thiện với người khuyết tật ở các công trình công cộng tại Việt Nam, ông càng thấy đây là việc chỉ tồn tại trên lý thuyết. Mặc dù Bộ Xây dựng đã ban hành bộ quy chuẩn tiêu chuẩn tiếp cận công trình cho người khuyết tật từ năm 2002, thực tế không có cơ chế giám sát hay chế tài nào đối với việc thực hiện. Tất cả chỉ nhờ vào sự "may rủi" trong nhận thức của đơn vị đầu tư và nhà thầu. Tôi cũng từng khó xử khi bố trí cho các khách mời đi xe lăn lên sân khấu trong một sự kiện. Không nhiều khách sạn năm sao ở TP HCM có sẵn đường đi lên bục sân khấu dành cho xe lăn. Việt Nam có khoảng 8 triệu người khuyết tật và thực tế là họ vẫn đang phải nói "xin đừng quên tôi" khi tham gia hoạt động công cộng. Cơ hội ra đường cho người khuyết tật còn khó, cơ hội để họ có việc làm và đóng góp còn khó hơn.
Giới trẻ Việt Nam giờ đây có điều kiện gặp gỡ nhiều cộng đồng, va chạm nhiều nền văn hóa nhờ đi du lịch thường xuyên và mạng xã hội. Họ có cơ hội lắng nghe sự khác biệt và vấn đề của mỗi nhóm. Nhận thức về sự đa đạng đã cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, quá trình tự học hỏi này cần được thúc đẩy mạnh mẽ bởi giáo dục ngay từ ghế nhà trường. Mọi công dân cần ý thức được rằng mình không nên bỏ quên ai, bỏ rơi ai trong mọi cuộc vui, mọi hoạt động nhóm, dù người ấy có khác biệt với số đông thế nào.
Tôi hy vọng con tôi và những học sinh lớn lên với kỷ niệm đẹp về đôi tất kỳ quặc sẽ giữ cái nhìn cởi mở, hành động nhân văn với người không giống mình hoặc kém may mắn hơn mình.
Cẩm Hà