Về cơ bản, quyền được lãng quên là quyền của một người được tự do quyết định cuộc sống mà không bị lên án bởi hậu quả để lại từ hành động người đó thực hiện trong quá khứ. Trên thực tế, một người có quyền được lãng quên là khi họ được phép gỡ bỏ khỏi Internet những thông tin, hình ảnh, video có liên quan tới mình, khiến người khác không thể tìm được chúng thông qua các trang web tìm kiếm như Google.
Quyền được lãng quên khác biệt cơ bản so với quyền bảo mật thông tin cá nhân. Đối tượng của quyền bảo mật là thông tin cá nhân không được công chúng biết đến, trong khi đối tượng của quyền lãng quên lại là thông tin từng được công chúng biết đến trong một thời điểm nhất định trước đó, nhưng hiện tại cá nhân có liên quan không muốn để bên thứ ba tiếp cận.
Cũng có ý kiến trái chiều được đặt ra trước sự xuất hiện của quyền này. Một số người cho rằng đây là một quyền con người đáng được ghi nhận. Ngược lại, nhiều chuyên gia nhận định việc yêu cầu trang tìm kiếm gỡ bỏ thông tin là một dạng kiểm duyệt Internet, và như vậy đây là việc xâm phạm vào quyền tự do biểu đạt.
Manh nha của quyền này có thể coi là được bắt nguồn từ một khái niệm trong hệ thống tư pháp hình sự của Pháp – “quyền được quên lãng” (droit à l’oubli). Lý lẽ đằng sau là người phạm tội sau khi chấp hành xong án phạt có thể đề nghị các bên thứ ba không công khai tiền án tiền sự của họ, nhằm quá trình tái hòa nhập xã hội được dễ dàng hơn.
Vào 2014, Tòa án Công lý Châu Âu đã đưa ra phán quyết có tính chất cột mốc buộc những công cụ tìm kiếm như Google phải xóa bỏ những đường dẫn không mong muốn nếu được yêu cầu. Phán quyết này xuất phát từ vụ việc của một người Tây Ban Nha khi ông yêu cầu xóa bỏ đường dẫn tới bài viết cũ đưa tin về vấn đề nợ nần của mình, theo đó hình thành một tiền lệ án được áp dụng trên khắp Liên minh Châu Âu.
Hiện chỉ một số ít quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới công nhận và đưa quyền này vào trong hệ thống pháp luật, trong đó có các nước thuộc Liên minh châu Âu và các quốc gia khác như Mỹ, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Quyền được lãng quên được thế giới thực hiện như thế nào?
Ở Mỹ, một người từng hành nghề mại dâm bị truy tố tội giết người nhưng cuối cùng được chứng minh vô tội. Sau đó, cô cố gắng sống một cuộc sống phẳng lặng và ẩn danh. Tuy nhiên, bộ phim The Red Kimono (tạm dịch: Bộ Kimono Đỏ) đã khai quật lại quá khứ của cô và nhà sản xuất bộ phim đã bị kiện.
Tòa lập luận rằng “bất cứ ai có lối sống chuẩn mực đều có quyền được hưởng hạnh phúc, trong đó bao gồm sự tự do không phải chịu những đòn tấn công vô cớ lên thanh danh, địa vị hay thể diện của mình” và đưa phán quyết theo hướng có lợi cho nguyên đơn.
Theo CNN, vào ngày 13/4/2018, một người thương nhân ẩn danh đã kiện Google ra tòa để buộc công ty này phải xóa bỏ những bài báo đưa tin về tiền án nhiều năm trước của họ khỏi kết quả tìm kiếm. Một phần lập luận đưa ra là những sự việc trên đã cách hiện tại quá xa, không phục vụ lợi ích công và xâm phạm vào quyền bảo mật.
Trước đó, Google đã từ chối yêu cầu gỡ bỏ bài báo của người này trên cơ sở việc cung cấp thông tin về “hoạt động nghề nghiệp” của một cá nhân sẽ “đem lại lợi ích lớn cho công chúng”.
Nhưng theo thẩm phán Mark Warby – người xử lý vụ án, những sự việc trên không còn thuộc vào “lợi ích chính đáng và đầy đủ của người dùng trang tìm kiếm Google để tiếp tục tồn tại” và chúng cần được gỡ bỏ. Mặc dù từng bị kết án, nhưng thương nhân trên đã “chân thành hối cải” và cũng không còn làm việc trong cùng lĩnh vực anh ta từng hoạt động khi phạm tội.