Người làm luật tại Mỹ cho rằng hành vi ngoại tình nếu gây tổn hại tới hạnh phúc gia đình có thể được coi như một dạng chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Người bị hại có thể khởi kiện để đòi lại công bằng.
Nguyên đơn phải chứng minh được rằng giữa vợ chồng có tình yêu nhưng hành động ác ý của bị đơn (tức người thứ ba) đã góp phần làm tan vỡ tình cảm. Hiện 6 bang ở Mỹ có quy định về đòi bồi thường do ngoại tình, gồm Hawaii, North Carolina, Mississippi, New Mexico, South Dakota và Utah.
Bên cạnh đó, hành vi ngoại tình còn có thể bị coi là vi phạm pháp luật hình sự tại 20 bang ở Mỹ. Trong số đó, phần lớn đều coi hành vi lừa dối vợ hoặc chồng là khinh tội (phạt tiền và án phạt dưới một năm). Chỉ một số tiểu bang như Idaho, Michigan, Oklahoma và Wisconsin coi đây là trọng tội và cho phép phạt tù người ngoại tình.
Mức phạt ở các bang cũng khác nhau. Bang Maryland phạt tiền 10 USD, trong khi hình phạt ở Michigan lại có thể lên tới bốn năm tù. Ở bang South Carolina, hình phạt tiền dành cho ngoại tình lên tới một năm và không được hưởng trợ cấp ly hôn.
Ở Mỹ hiện có quan điểm ủng hộ hình sự hóa cho rằng hình sự hóa sẽ giúp ngăn chặn ngoại tình và bảo vệ chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Ở một số bang, việc cho phép khởi kiện người thứ ba là cách duy nhất để buộc họ phải chịu trách nhiệm pháp lý thực tế cho hành động của mình.
Tuy vậy, xu hướng hiện tại có vẻ nghiêng về phi hình sự hóa. Phía phản đối cho rằng pháp luật về ngoại tình là lỗi thời vì bắt nguồn từ thông luật Anh quốc cổ khi phụ nữ còn bị coi là tài sản của chồng. Khi ấy, nếu có người trộm cắp tài sản của mình, người ta có thể khởi kiện. Việc hình sự hóa sẽ là tiếp tay cho sự bất công với phụ nữ. Những người theo quan điểm này còn cho rằng thời gian và sức lực của nhà nước nên được dành cho các vấn đề thiết yếu hơn thay vì vấn đề tình cảm riêng tư giữa hai người trưởng thành.
Ở nhiều nơi trên thế giới, ngoại tình vẫn bị coi là tội phạm song cũng không ít quốc gia đã ngưng xử lý hình sự với người ngoại tình như các nước châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Hầu hết các nơi này đều chỉ coi ngoại tình là vi phạm hành chính và là căn cứ cho ly hôn.
Herald-Sun đưa tin, ngày 26/7, thẩm phán tòa tối cao North Carolina (Mỹ) đã ra phán quyết buộc Francisco Huizar bồi thường cho Keith King 8,8 triệu USD về hành vi phá hoại hạnh phúc gia đình.
Tại phiên xét xử, Keith King cho biết Francisco Huizar hơn Danielle Swords 15 tuổi. Sau khi hai người tình cờ gặp gỡ, Francisco Huizar đã tìm đủ mọi cách tiếp cận vợ anh ta. Francisco Huizar cố ý thuê nhà phía đối diện và bám theo người tình khi cô đi spa. Ngay cả khi gia đình anh đi du lịch, Francisco Huizar cố tình đặt phòng ngay gần khách sạn của họ.
Công tố viên thụ lý vụ việc cho biết hành vi ngoại tình của Francisco Huizar đã làm giảm doanh thu và gây thiệt hại về nhân sự cho công ty của Keith King – BMX Stunt Shows, vì vợ anh trước đó cũng làm việc ở đây.
Trước đó, nhiều người là nạn nhân của ngoại tình cũng đã thắng kiện với mức bồi thường nhiều triệu đô. Tháng 3/2011, tòa án hạt Wake, North Carolina đã cho Carol Puryear được hưởng 30 triệu USD sau khi hôn nhân 15 năm đổ vỡ vì người thứ ba.
Tháng 9/2010, tòa án hạt Pitt, North Carolina cũng buộc bạn thân của nguyên đơn phải bồi thường 9 triệu USD vì cố tình quyến rũ chồng bạn, làm tan vỡ cuộc hôn nhân 33 năm.
Khoản tiền bồi thường trong vụ khởi kiện ngoại tình thường rất lớn vì được tính dựa trên hai yếu tố: thu nhập của nguyên đơn nếu vẫn còn trong quan hệ hôn nhân và tiền phạt bị đơn vì hành vi phá vỡ hạnh phúc gia đình.
Tại Việt Nam, theo điều 182 của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017, ngoại tình có thể là vi phạm pháp luật hình sự. Người vi phạm phải chịu trách nhiệm hình sự nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm; làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát hoặc đã có quyết định của tòa án nhưng vẫn duy trì quan hệ ngoại tình...