Thời đó, người ta cố gắng làm tất cả những gì tốt nhất cho người bệnh mà không quan tâm đến khía cạnh pháp lý và các vấn đề sâu xa về khoa học. Trong các tài liệu chính thống về loét mà tôi tìm được, chỉ có mỗi cách phơi vùng loét ra nắng và cắt lọc là tôi có thể áp dụng với bệnh nhân. Nhưng những mảng thịt chết khô đét, dai và dính chặt vào mô cơ còn sống thì không biết cắt làm sao.
Thấy bên Đông y cho rằng dùng hạt Đình lịch đắp là các mảng này mềm ra và cắt được, tôi đã ứng dụng ngay. Một giáo sư trong bệnh viện chưng cất dầu Mù u, dùng nó để phục hồi vết thương, tôi cũng bắt chước sử dụng dầu Mù u cho vết loét. Thật may mắn, những cách đó đã giúp chúng tôi giải quyết được phần nào vấn nạn loét. Đồng thời, một kỹ thuật mổ chấn thương cột sống mới được du nhập về. Nạn loét được giải quyết một cách cơ bản.
Chúng tôi dùng các loại nẹp sử dụng cho chân tay, cắt ra, rồi chế tác lại, thành nẹp cột sống, để mổ cho bệnh nhân. Dù ủng hộ hay không, không ai có thể phủ nhận rằng việc chế tác đó đã giúp giải quyết đau đớn cho rất nhiều người bệnh, tránh bị liệt, hoặc ít nhất thì hạn chế được các biến chứng nặng nề của chấn thương cột sống.
Sau này, vị giáo sư nghiên cứu về dầu Mù u đã nghiên cứu sử dụng Carbon làm các mảnh ghép. Chúng tôi hăng hái áp dụng vào việc vá sọ cho bệnh nhân. Chi phí mua một mảnh ghép Carbon rất rẻ, phù hợp với người nghèo, trong điều kiện kinh tế Việt Nam. Nhưng, sau một thời gian ghép, da đầu bị ăn mòn, rồi thủng ra, lộ mảnh Carbon ra ngoài.
Sự cố "mảnh Carbon" đã làm nguội bớt những cái đầu sáng chế, cải tiến của chúng tôi. Chúng tôi nhận ra rằng, mình đã áp dụng những biện pháp chữa bệnh mà chưa tìm hiểu sâu xa tác động của việc đó đối với cơ thể. Những thành công cho đến lúc đó thực ra là liên quan đến may mắn.
Việt Nam mở cửa. Chúng tôi ra nước ngoài học tập. Chỉ khi đó tôi mới được lĩnh hội khái niệm "quyền của người bệnh". Thì ra, mạng sống và sức khỏe con người quan trọng hơn mọi thứ tiền bạc. Tôi còn nhớ, trong một hội nghị quốc tế, vài bạn Việt Nam và Ấn Độ thắc mắc rằng, với những bệnh nhân nghèo, không có tiền thì làm sao. Một giáo sư nước ngoài đã nói, rằng chúng ta phải nhìn nhận sức khỏe của con người là vốn quí, và nhà nước phải tìm ra cách nào hoặc đưa ra chính sách nào, để mọi người dân đều được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Nhiệm vụ của các bác sĩ là tìm ra phương pháp chữa bệnh tốt nhất, hiệu quả nhất, chứ không phải là lo tiền cho người bệnh.
Trong một hội nghị chuyên ngành khoảng năm 2002 tại Việt Nam, một giáo sư báo cáo phương pháp mổ một loại u não. Ông đã mổ hai ca thành công mà không có phương tiện hỗ trợ gì như người ta hay dùng ở các nước tư bản. Ông rất tự hào về khái niệm "tay không bắt giặc" của mình. Nhưng một bác sĩ trẻ đã đứng lên phản bác, rằng ông có dám chắc rằng ca thứ ba của ông mổ sẽ thành công không? Tất nhiên, ngay cả khi có đầy đủ phương tiện cũng chẳng ai dám chắc là sẽ thành công cả.
Vấn đề chính là thái độ nghề nghiệp. Chúng ta đã làm tất cả mọi việc để hạn chế thấp nhất khả năng thất bại hay chưa? Chúng ta đã xem xét thấu đáo các tác động của việc chúng ta làm trên người bệnh chưa? Và chúng ta có tôn trọng quyền được sống, được khỏe mạnh của người bệnh hay chưa? Chính vì những điều đó, mà người ta cần đưa ra các quy trình nghiêm ngặt, để hạn chế thấp nhất sai sót, rủi ro trong Y tế. Và, nếu có một thái độ tốt, chúng ta cũng sẽ luôn tuân thủ các qui trình ấy.
Võ Xuân Sơn