Phó ban Kinh tế trung ương Tạ Hữu Thanh. |
- Phát biểu với báo chí, tân phó tổng thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình cho rằng, không nên nghĩ cơ quan chống tham nhũng thì không có tham nhũng. Là người từng giữ vị trí cao nhất ở thanh tra Nhà nước, ông bình luận gì về nhận định này?
- Tham nhũng là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của để vụ lợi. Tôi cho rằng, quyền thường gắn với những điều kiện tham nhũng nên tham nhũng sẽ không loại trừ ai, lĩnh vực nào. Tức là ở đâu có quyền, môi trường ở đó dễ nảy sinh tham nhũng. Có điều, nếu ta giáo dục quản lý tốt, có những chế định chặt chẽ thì sẽ hạn chế nảy sinh tham nhũng. Thanh tra chấp hành pháp luật cũng là lĩnh vực có điều kiện nảy sinh tham nhũng. Nếu đội quân được rèn luỵên tốt, cơ chế quản lý tốt thì sẽ hạn chế ở mức cao nhất.
- Nhiều ý kiến cho rằng, ai cũng hô hào chống tham nhũng nhưng lại bỏ qua trận địa chống tham nhũng của chính cơ quan mình. Ông nhận định thế nào về việc chống tham nhũng ngay tại cơ quan thanh tra chính phủ hiện nay?
- Anh em thanh tra từ xưa đến nay vẫn xác định mình cũng như cơ quan hành chính nhà nước bình thường. Trong nội bộ ít có điều kiện nảy sinh tham nhũng. Vì là cơ quan hành chính thì kinh phí đã khoán rồi. Nhưng cần phải đặc biệt chú ý khâu anh em đi thanh tra các vụ việc, vì đây là khâu dễ nảy sinh điều kiện tham nhũng.
- Theo ông, dự thảo luật tiết kiệm, chống lãng phí đang được trình Quốc hội sẽ hạn chế được những bất cập nào của pháp lệnh hiện hành?
- Trước đây pháp lệnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 1998 chủ yếu chống lãng phí trong tài chính, ngân sách và một số tài sản công. Nhưng cho đến giờ, lãng phí không chỉ dừng ở những lĩnh vực trên, mà phát sinh ở rất nhiều lĩnh vực khác như đất đai, xây dựng cơ bản, tài nguyên khoáng sản, thời gian lao động... Dự luật lần này đã mở rộng hơn phạm vi điều chỉnh, khắc phục những khoảng trống trong pháp lệnh hiện hành.
- Nếu luật ban hành mà không có cơ chế giám sát, đặc biệt là giám sát nội bộ của từng cơ quan thì theo ông, hiệu quả thực tế sẽ như thế nào?
- Muốn chống lãng phí thì phải có tiêu chuẩn định mức rõ ràng. Ví dụ, muốn quản lý lao động phải giao việc cụ thể, có thời gian hoàn thành và yêu cầu chất lượng phải hoàn thành... Còn nếu chung chung, không giao cụ thể, không định thời gian thì lãng phí lao động vẫn xảy ra. Theo tôi, điều quan trọng là khoán công việc, khoán nhiệm vụ tới từng người, từng bộ phận ở từng cơ quan. Phải đưa ra được các định mức cụ thể. Ai vi phạm thì xử lý.
- Nhưng nhiều định mức được áp dụng quá xa lạ với thực tế, nếu áp những quy định này để xử lý thì mức độ thuyết phục ra sao?
- Đúng là định mức chỉ có ý nghĩa trong từng thời gian nhất định. Quả thật nhiều định mức hiện không còn phù hợp. Ví dụ, có quy định đi họp hội nghị thì phải đóng tiền ăn. Quy định như thế, nhưng có ai đóng. Rõ ràng đây là quy định bất hợp lý. Hay như, quy định họp hội nghị tại HN hay TP HCM cán bộ công chức được thanh toán tiền phòng 90.000 đồng. Nhưng thực tế ở TP HCM có chỗ nào 90.000 đồng? Quy định như vậy buộc người ta gian dối. Thực tế ngủ 4 tối thì họ khai tăng lên 5-6.
Do đó, bên cạnh việc đưa ra các định mức mới, cụ thể thì còn phải điều chỉnh các định mức hiện đã không còn phù hợp.
- Trong khi chúng ta hô hào phải tiết kiệm thì hầu như địa phương nào cũng tổ chức lễ hội. Nhiều ý kiến cho rằng, đó cũng là hình thức lãng phí. Ông đánh giá sao?
- Tôi chưa tập hợp hết, nhưng có ý kiến cho rằng, hiện phải có đến hàng nghìn loại lễ hội. Mà mỗi lễ hội đều phải chi tiền tốn kém.Trong điều kiện chúng ta còn khó khăn thì đó quả là sự lãng phí lớn. Trong những ngày lễ lớn của cả nước, có những dịp trên trung ương kỷ niệm, địa phương cũng kỷ niệm, ngành cũng kỷ niệm. Cuối cùng ai cũng kỷ niệm cả. Cái này dân kêu ghê lắm. Thứ hai nữa là, ngày hội văn hóa, ngày hội du lịch, chỗ nào cũng thấy có. Bây giờ lễ thì ít nhưng hội thì nhiều. Lễ hội tràn lan, chi phí rất tốn kém, hiệu quả thấp. Ông nào cũng muốn địa phương mình, bộ ngành mình phải có cái gì đó để đưa lên phương tiện thông tin đại chúng khuếch trương bề thế.
- Các địa phương, hay các ngành sử dụng tiền từ ngân sách, nếu ngân sách không quyết toán thì họ lấy đâu ra tiền để làm?
- Chúng ta chưa có văn bản mang tính chất quy phạm pháp luật về vấn đề này. Nên đúng là tiết kiệm vẫn chỉ mang tính chất hô hào. Theo tôi đã đến thời kỳ chúng ta phải quy định trong luật và chỉ thực hiện theo pháp luật.
- Trách nhiệm cá nhân và tập thể hiện còn bị lẫn lộn. Vấn đề này sẽ được khắc phục như thế nào trong dự luật tiết kiệm và chống lãng phí thưa ông?
- Vấn đề này dự luật chưa nói tới. Trong luật chỉ nói quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Nhưng điều này theo tôi cũng cần phải rõ ràng. Trách nhiệm người đứng đầu đến đâu và tập thể đến đâu khi mà cơ chế là tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách. Ví dụ họp lãnh đạo bộ ngành, tôi là người đứng đầu, nhưng tôi chỉ là 1 phiếu. Nếu có vấn đề gì thì làm sao đổ hết lên đầu người lãnh đạo được.
- Minh bạch là biện pháp chống tham nhũng và lãng phí. Nhưng việc công khai các địa chỉ vi phạm rất hãn hữu. Ông nghĩ sao khi điều này được giải thích là vẫn còn tình trạng nể nang né tránh ngay trong các cơ quan của Chính phủ?
- Né trách là một cách nói. Nói chung nhiều việc chúng ta thiếu minh bạch và công khai. Nếu làm đàng hoàng, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng thì sẽ khác. Nhưng đằng này lại nể nang lẫn nhau, quan hệ nọ quan hệ kia nên nhiều khi cứ nói chung chung.
- Nghĩa là cũng có tâm lý "nếu tôi vạch áo của anh thì lúc nào đó anh sẽ vạch áo của tôi"?
- Cũng có thể đúng là như vậy
Phạm Hiếu thực hiện