Thông tin được quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nêu tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh, ngày 2/8.
Bảy tháng đầu năm, Bộ Y tế ghi nhận hơn 9 triệu ca Covid-19 mới và đang xu hướng tăng trở lại do xuất hiện các biến chủng phụ mới của Omicron như BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn những biến chủng trước, mới nhất là chủng BA.2.12.1, BA.2.75.
Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, sốt xuất huyết bùng phát trên diện rộng, với 136.075 ca, 45 trường hợp tử vong trên cả nước. So với cùng kỳ 2021, số ca bệnh tăng 3,2 lần, số tử vong tăng 31 trường hợp.
Đồng thời, các bệnh lưu hành như tay chân miệng, sốt rét, sởi, dại hiện số ca ghi nhận ít hơn so với cùng kỳ 2021 nhưng cũng trong xu hướng tăng. Cụ thể, bệnh tay chân miệng gia tăng cục bộ tại một số địa phương; bệnh sởi ghi nhận rải rác ở một số nơi.
Ngoài ra, hiện Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ song xuất hiện bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân và các bệnh truyền nhiễm nhóm A khác.
"Như vậy, nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu, trong khi hiện có tình trạng chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác trong phòng chống dịch, nhất là một số địa phương tiến độ tiêm vaccine Covid chưa đạt yêu cầu", bà Lan nói và cho rằng quan điểm là phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; "tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại".
Trong bối cảnh "bình thường mới" hiện nay, bà Lan cho rằng giải pháp phòng chống Covid-19 là theo công thức "2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác", với các trụ cột gồm cách ly, xét nghiệm, điều trị.
Bà đề nghị đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19, nhất là tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 cho từng nhóm đối tượng, tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và không để vaccine không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí.
Tại cuộc họp, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khẳng định chiến lược tiêm vaccine vẫn hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi liên tục xuất hiện các biến chủng mới của Covid-19. Mục tiêu của ngành y tế là tiêm hoàn thành nhóm trẻ 5-11 trước khi các cháu đi học, với khoảng xấp xỉ 4 triệu cháu cần tiêm mũi một, và 7,5 triệu cháu cần tiêm mũi hai.
"Như vậy, Việt Nam cần khoảng 29 ngày nữa để hoàn thành mục tiêu này, nếu không tăng tốc độ thì mục tiêu mũi một khó về đích", đại diện WHO nói.
Ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết tỷ lệ tiêm nhắc mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên chưa đạt yêu cầu, còn tiêm liều cơ bản cho trẻ 5-11 tuổi chậm. Tính đến ngày 1/8, nhóm từ 18 tuổi trở lên tiêm nhắc lần một (mũi 3) đạt hơn 72%, tiêm nhắc lần hai (mũi 4) hơn 50%.; hơn 34% nhóm 12-17 tuổi đã tiêm nhắc.
Theo ông Đức Anh, nguyên nhân dẫn đến tốc độ tiêm chủng chậm là hiện nay hoạt động sản xuất, làm việc trở lại bình thường, việc tổ chức tiêm chủng trong thời gian làm việc gặp khó khăn. Nhóm trẻ em đang nghỉ hè, chuyển cấp nên việc tổ chức tiêm chủng tại trường, tại trạm y tế gặp khó khăn. Tỷ lệ di biến động dân cư lớn sau đợt dịch tại nhiều địa phương cũng ảnh hưởng đến công tác tiêm chủng.
Ông cũng nhắc đến thực tế người dân chủ quan trong bối cảnh dịch được khống chế, nhiều người đã mắc Covid-19 nên không đồng ý hoặc lưỡng lự tiêm các mũi vaccine tiếp theo. Nhiều cha mẹ không đồng ý cho con tiêm nhắc lại do lo ngại ảnh hưởng lâu dài của vaccine đến sức khỏe của trẻ 5-11tuổi.
Tính đến ngày 31/7, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 253 triệu liều vaccine các loại, phân bổ 249 triệu liều cho các địa phương tiến hành tiêm chủng, còn 3,7 triệu liều chưa phân bổ.
Trước đó, lãnh đạo TP HCM cũng cảnh báo nguy cơ dịch chồng dịch và Covid-19 tái bùng phát tại thành phố.