Ngày 1/8, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long làm việc trực tuyến với "Bộ Chỉ huy tiền phương" - Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng do Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, phụ trách.
Đối với Bệnh viện Đà Nẵng, ông Long yêu cầu phải giải phóng nhanh bệnh viện này, giảm hiện diện của bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên. Hiện nhân viên y tế ở đây "quá nhiều", phải giảm số lượng, đưa ra ngoài, cách ly ở khách sạn.
"Nếu nhân viên y tế phải quay trở lại bệnh viện làm việc sẽ bố trí xe đưa đón, cách thực hiện như Bệnh viện Bạch Mai đã làm trước đây", ông Long nói. "Đặc biệt, các khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực - chống độc, Hô hấp, Tim mạch là những nơi có khả năng lây nhiễm ở Bệnh viện Đà Nẵng, không đưa bệnh nhân vào điều trị nữa, đề nghị Bộ chỉ huy tiền phương phải chỉ đạo quyết liệt việc này".
Ông Long cũng đề nghị mở toàn bộ cửa sổ, không bật máy điều hòa để tạo thông khí cho bệnh viện, tránh môi trường ô nhiễm sẽ tạo thành ổ siêu lây nhiễm tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Cho đến chiều qua, trong bệnh viện còn khoảng 2.000 người, gồm các bệnh nhân dương tính nCoV, bệnh nhân âm tính nhưng mắc bệnh nặng khác, người nhà, y bác sĩ. Bệnh viện cũng tiếp nhận các ca cấp cứu nặng.
6.000 y bác sĩ và bệnh nhân ở Bệnh viện Đà Nẵng được giải tỏa thế nào?
Hiện nay Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng được biến thành bệnh viện "sạch" tiếp nhận điều trị bệnh nhân nặng.
Bệnh viện C Đà Nẵng, nơi các bệnh nhân Covid-19 từng lui tới chữa bệnh, đã được phun khử khuẩn. Quyền Bộ trưởng đồng ý Bệnh viện C Đà Nẵng phải xét nghiệm lần hai cho người tại đây, sau đó tiếp nhận điều trị bệnh nhân nhưng phải phân luồng, phân tuyến rất kỹ.
Trung tâm Y tế Hòa Vang (công suất 200 giường), Bệnh viện Phổi Đà Nẵng (công suất 100 giường) sẽ tập trung điều trị bệnh nhân Covid-19, cùng Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Bệnh viện Điện Bàn.
Ông Long cũng lưu ý, đối với bệnh nhân chạy thận nhân tạo, cần tách bệnh nhân dương tính nCoV ra khu riêng và thực hiện triệt để phòng lây nhiễm, nếu không sẽ không bao giờ cứu được bệnh nhân.
Từ Đà Nẵng, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết Tiểu ban Điều trị sẽ tập trung các ca dương tính nCoV vào các bệnh viện chuyên biệt là Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Trung tâm Y tế Hòa Vang và Bệnh viện Dã chiến, nơi có thể thu dung 2.000 bệnh nhân.
Về việc điều trị cho bệnh nhân tại các bệnh viện Đà Nẵng, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Đội trưởng Đội Điều trị, cho biết hiện đã thiết lập một đơn vị Hồi sức tích cực tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và lắp đặt 20 máy chạy thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế Hòa Vang.
"Việc giãn cách bệnh nhân Covid-19, bệnh nhân nặng, bệnh nhân thường đang được tiếp tục thực hiện", ông Khoa nói.
38 bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã được chi viện cho 5 đơn vị là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Trung tâm Y tế Hòa Vang; Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam và Bệnh viện Bắc Quảng Nam.
Bên cạnh kíp điều trị do bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Trưởng Khoa Hồi Sức tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách, còn có thêm một kíp đang hỗ trợ Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Bệnh viện Trung ương Huế đã hỗ trợ Đà Nẵng điều trị 18 bệnh nhân, đa số là bệnh nhân nặng.
Ông Long yêu cầu lực lượng của Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với địa phương, nỗ lực cao nhất để phải ngăn bằng được, càng sớm càng tốt, dịch bệnh tại Đà Nẵng, giảm thiểu tử vong.