Tình hình dịch Covid-19 tại Đà Nẵng, Quảng Nam đang được kiểm soát, số ca mắc giảm dần trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, các địa phương phải chuẩn bị cho tâm thế dịch sẽ kéo dài. Nếu như không có vaccine, cuộc chiến chống dịch sẽ rất khó khăn, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh tại buổi giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch với 63 tỉnh thành, ngày 19/8.
"Đà Nẵng là một ví dụ về vấn đề con người, cơ sở cấp cứu. Dù đã nỗ lực nhưng vẫn phải huy động tổng lực từ trung ương đến hỗ trợ. Nếu dịch xảy ra tại một tỉnh miền núi thì sẽ càng khó khăn hơn. Phải xác định từ nay trở đi sẽ không có lúc nào bình yên, mà sẵn sàng có dịch", quyền Bộ trưởng nói.
Lần này dịch diễn biến phức tạp. Do đó quyền Bộ trưởng khuyến cáo các địa phương phải nâng cao cảnh giác, có thể xuất hiện chùm ca nhiễm, ca nhiễm tại cộng đồng vì phạm vi lây lan của dịch lần này nhiều.
"Từng gia đình có thể trở thành ổ dịch. Lần trước chỉ có khoảng 40 ổ dịch, lần này đã lan khoảng 150 ổ dịch. Sẽ tiếp tục có mầm bệnh lây lan trong cộng đồng, trong đó việc kiểm soát Covid-19 tại các cơ sở y tế là điều chúng ta cần để ý", ông Long nói.
Từ bài học của Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương, vấn đề đặt ra là các địa phương cần phải làm gì khi dịch bệnh xảy ra. Thực tế cho thấy nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong cách xử lý, đấy là lý do Bộ Y tế phải thường xuyên điều chuyên gia trung ương đến hỗ trợ. Các địa phương phải nâng mức cảnh giác ở mức cao nhất để phát hiện sớm và kịp thời cách ly, khoanh vùng, dập dịch để tránh dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Liên quan đến vaccine Covid-19, ông Long cho biết ngành y tế đang tìm mọi phương pháp, dưới mọi góc độ để tiếp cận vaccine. Tuy nhiên, sớm nhất cũng phải 6 tháng cuối năm 2021 mới có vaccine. Từ nay đến lúc đó, cần phải sẵn sàng chiến đấu với dịch. Ông Long yêu cầu các địa phương phải chủ động nâng cao năng lực xét nghiệm. Ví như Khánh Hòa, tối thiểu phải xét nghiệm đạt 2.000 mẫu bệnh phẩm một ngày, vì đây là địa phương có nhiều khách du lịch.
Tỉnh Kiên Giang đề xuất Viện Pasteur TP HCM hỗ trợ về năng lực xét nghiệm nếu có dịch bệnh xảy ra nhiều. Ông Long đề nghị không riêng gì Kiên Giang mà các địa phương trong cả nước cần phải chủ động, thực hiện chống dịch theo phương châm "4 tại chỗ", trong trường hợp cần thiết thực sự mới cần đến trung ương hỗ trợ.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị các địa phương chủ động trong mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế và thực hiện sàng lọc. Đồng thời, các địa phương phải nâng cao năng lực xét nghiệm, chuẩn bị sẵn sàng chống dịch, tránh tâm thế trông chờ, thụ động. Phải chủ động trong các tình huống ca nhiễm tăng để huy động năng lực xét nghiệm. Xét nghiệm rất quan trọng, từ xét nghiệm mới có thể nhanh chóng truy vết, giám sát, cách ly, khoanh vùng, dập dịch.
Bộ Y tế rút ra nhiều bài học từ đợt dịch này. Đầu tiên là ngành y tế phải phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt, hành động khẩn trương, thần tốc trong chống dịch, nếu chần chừ sẽ rất nguy hiểm. Bài học tiếp theo là truy tìm, cách ly thật nhanh để đưa mầm bệnh ra khỏi cư dân, cộng đồng để cách ly thật nhanh mầm bệnh. Nếu lơ là trong cách ly trường hợp F1 thì sẽ gặp khó khăn.
Các cơ sở y tế phải có kế hoạch ứng phó chủ động và nhịp nhàng để tránh trường hợp nếu phong tỏa một loạt bệnh viện thì sẽ khó khăn trong khám chữa bệnh cho bệnh nhân cần cấp cứu. Do đó, các địa phương phải lên kịch bản sẵn về việc bệnh viện sẽ sẵn sàng hỗ trợ, tiếp nhận bệnh nhân trong trường hợp trên địa bàn có cơ sở y tế bị "đóng băng".
"Tôi nhấn mạnh lần nữa, chúng ta phải bảo vệ bằng được điểm cốt tử của bệnh viện như khoa hồi sức, khoa chạy thận nhân tạo và đội ngũ nhân viên y tế, nếu để Covid-19 vào đây thì rất nguy hiểm. Chỉ chậm mấy ngày thì chu kỳ dịch đã nhân lên gấp đôi, vì thế các bệnh viện phải rà soát ngay quy trình chống dịch", ông Long yêu cầu.
Một bài học nữa, theo quyền Bộ trưởng, là phải dựa vào các tổ chống dịch trong cộng đồng. Đó là các tổ giám sát các trường hợp có yếu tố dịch tễ tại cộng đồng. Hải Phòng, Quảng Nam và nhiều địa phương khác đã làm tốt việc này.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương rà soát tất cả kịch bản ứng phó phòng chống dịch trên nhiều cấp độ, từ cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị, xét nghiệm... Trong đó có vấn đề tập huấn cho cán bộ y tế về truy vết, lấy mẫu, bệnh viện dã chiến trong trường hợp cần thiết.
Nhấn mạnh công tác giám sát rất quan trọng, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu các nhà thuốc phải giám sát chặt trường hợp mua thuốc nghi ngờ như ốm, ho, sốt... Nhà thuốc sẽ bị xử lý nếu không báo cho cơ sở y tế các trường hợp nghi ngờ. Các bệnh viện, nếu để tình trạng bệnh nhân nghi nhiễm lọt qua, cũng sẽ bị xử lý.
Lê Nga