Theo pháp luật hiện hành của Trung Quốc, khi nhận được tin báo của quần chúng về người mất tích, cơ quan công an sẽ phân tích tính chất vụ việc để từ đó có biện pháp xử lí phù hợp. Theo mức độ nghiêm trọng tăng dần, công an sẽ áp dụng ba biện pháp sau:
Hỗ trợ tìm kiếm người mất tích
Người mất tích được hiểu là người lạc đường hoặc khả nghi bị xâm hại, không rõ tung tích, không xác định được trạng thái sinh tồn, do quần chúng đề nghị cơ quan công an trợ giúp tra tìm, không bao gồm mất tích do thiên tai hay tai nạn lao động.
Quần chúng trình báo có người mất tích, cơ quan công an cần kịp thời tiếp nhận, ghi nhận thông tin cơ bản. Với trường hợp thuộc phạm vi quản lý của mình, cảnh sát hỗ trợ tìm kiếm kịp thời theo quy định. Nếu không thuộc phạm vi quản lý, cơ quan nhận tin cần lập công văn chuyển giao cho cơ quan công an có quyền quản lý và thông báo tình hình chuyển giao cho người trình báo.
Việc điều tra sơ bộ tìm người mất tích do đồn công an nơi xảy ra mất tích chịu trách nhiệm. Nếu không thể xác định nơi xảy ra mất tích, do đồn công an nơi người mất tích cư trú phải chịu trách nhiệm..
Lập tuyến điều tra
Trường hợp người mất tích có dấu hiệu bị xâm hại, cơ quan công an tiếp nhận trình báo cần báo cáo lên cơ quan công an cấp huyện trở lên phê chuẩn, lập công văn chuyển giao cho cơ quan điều tra hình sự lập tuyến điều tra. Cụ thể:
(1) Hiện trường mất tích có dấu hiệu xâm hại rõ ràng.
(2) Có nhân chứng chứng minh người mất tích gặp phải xâm hại.
(3) Người và xe cơ giới cùng mất tích hoặc mất tích mang theo nhiều tài sản.
(4) Trẻ vị thành niên chưa đủ 14 tuổi mất tích quá 48 tiếng.
(5) Người mất tích có mâu thuẫn, tranh chấp gay gắt với người khác trước khi mất tích.
(6) Nguyên nhân mất tích không rõ, thời gian mất tích vượt quá ba tháng.
(7) Các trường hợp nghi ngờ bị xâm hại khác.
Trong vòng 10 ngày, công an thu thập thông tin cơ bản của người mất tích nghi ngờ bị xâm hại bao gồm: ảnh, vân tay, thông tin ADN để nhập vào "Hệ thống thông tin người mất tích nghi ngờ bị xâm hại", "Hệ thống tự động phân biệt đối chiếu vân tay", "Hệ thống thông tin ADN của tòa án". Thông tin liên quan người mất tích được đối chiếu với số liệu trong hệ thống.
Khi điều tra về quá trình trước và sau khi mất tích, nếu phát hiện người mất tích bị xâm hại hoặc nghi ngờ bị xâm hại hay có dấu hiệu phạm tội, cơ quan điều tra hình sự cần thẩm tra. Nếu phù hợp với điều kiện lập chuyên án, cơ quan công an phải triển khai ngay.
Lập án điều tra
Lập án là giai đoạn tố tụng độc lập, là dấu hiệu bắt đầu hoạt động tố tụng hình sự. Chỉ khi đã lập án và tiến hành điều tra thì hoạt động khởi tố và xét xử mới có căn cứ pháp luật, mới có thể sinh ra hiệu lực pháp luật. Trước khi lập án, cơ quan công an không được áp dụng bất cứ biện pháp, thủ đoạn điều tra hình sự cưỡng chế nào như: triệu tập, giám sát, tạm giam, bắt bớ, thẩm vấn, kiểm tra, khám xét, truy nã.
Án chỉ được lập khi có đồng thời hai điều kiện: có hành vi phạm tội theo quy định của luật hình sự, cần truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khang Diệp