Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, để thực hiện đề án cải cách chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ cùng các bộ, ban, ngành đang gấp rút xây dựng vị trí việc làm và rà soát chức vụ, chức danh lãnh đạo. Đây được xem là nội dung cốt lõi để thực hiện thành công chính sách tiền lương mới.
Xây dựng vị trí việc làm là mô tả công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Theo ông Thăng, sở dĩ phải xây dựng vị trí việc làm vì các cơ quan nhà nước đang thiết kế tiền lương theo trách nhiệm, ngạch bậc (trong ngạch có một số bậc lương, như ngạch chuyên viên có 9 bậc, chuyên viên chính có 8 bậc, chuyên viên cao cấp có 6 bậc), kể cả chức vụ lãnh đạo bổ nhiệm, bầu cử cũng xếp lương chuyên môn cộng phụ cấp.
Ngoài ra, nâng bậc, nâng ngạch cũng chủ yếu thực hiện theo thâm niên; giải quyết chính sách chưa theo cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức. Các chế độ phụ cấp cũng quá nhiều, ngành nghề nào cũng yêu cầu có phụ cấp vì tính đặc thù. Việc có quá nhiều phụ cấp như hiện tại dẫn đến thực trạng tiền phụ cấp nhiều hơn lương cơ bản, gây mâu thuẫn giữa các ngành nghề có và không có phụ cấp hoặc phụ cấp thấp hơn.
Ông Nguyễn Quang Dũng - Vụ trưởng Tiền lương (Bộ Nội vụ) thông tin, có ngành phụ cấp còn cao hơn lương, ví dụ giáo dục. Ngoài lương cơ bản (hệ số lương x lương cơ sở), công chức giáo dục còn có các loại phụ cấp: ưu đãi theo nghề (cao nhất 70%), thâm niên nhà giáo (mỗi năm 1%), chức vụ lãnh đạo, thu hút công tác ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn 70%, dạy lớp ghép, dạy tiếng dân tộc...
"Vì vậy, phải xây dựng vị trí việc làm, tức là xác định rõ danh mục, tên vị trí trong hệ thống, làm tốt việc mô tả công việc, ai làm việc gì, vị trí như thế nào, được làm việc gì, và phải có yêu cầu năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất, thái độ đối với công việc ra sao", ông Thăng nói.
Thứ trưởng Nội vụ nhấn mạnh, nếu làm tốt việc mô tả công việc, xác định rõ năng lực thì sẽ là cơ sở quan trọng để tuyển dụng, sử dụng, đánh giá công chức, viên chức. Vị trí việc làm cũng là cơ sở để quản lý biên chế tốt hơn.
Quá trình xác định vị trí việc làm để cải cách tiền lương theo Vụ trưởng Nguyễn Quang Dũng cũng mất khá nhiều thời gian vì các bộ, ngành phải đề xuất vị trí việc làm, bảng lương của ngành mình để áp dụng vào chế độ tiền lương chung.
Cụ thể, mỗi cơ quan phải thống kê toàn bộ văn bản quy định chế độ tiền lương của ngành, sau đó thống kê hiện trạng, như trong ngành giáo dục thì có bao nhiêu người là giáo viên, bao nhiêu là lãnh đạo. Trong số người không phải lãnh đạo thì bao nhiêu là chuyên viên, giảng viên, giáo viên THPT, THCS, tiểu học, mầm non. Những người này đang hưởng lương, chế độ theo quy định nào của Đảng và Nhà nước...
Cục trưởng Tiền lương thông tin, Nghị quyết 27 của Trung ương 7 khóa 12 đã xác định xây dựng cơ sở dữ liệu về tiền lương đối với cán bộ công chức và viên chức để nắm chắc số lượng người hưởng lương, mức lương và phụ cấp của từng người, trên cơ sở đó xác định chính xác quỹ tiền lương cơ bản và quỹ phụ cấp giúp cho hoạch định chính sách được chính xác.
"Nghị quyết 27 định hướng thiết kế bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Cơ sở dữ liệu là thường xuyên, liên tục là số liệu thực nên chính xác", ông Dũng nói.
Trước ý kiến lo ngại về việc "lãnh đạo nhiều hơn nhân viên" khi cải cách chính sách tiền lương theo hướng trả lương theo vị trí việc làm, chức vụ, chức danh lãnh đạo, ông Dũng nói "sẽ không có chuyện đó". Lý do là Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành quy định chỉ thành lập ban (vụ) khi khối lượng công việc cần phải bố trí tối thiểu 15 người làm việc là công chức, viên chức trở lên.
Nếu ban (vụ) và văn phòng có từ 20 người làm việc là công chức, viên chức trở xuống được bố trí không quá 2 cấp phó; có trên 20 người làm việc là công chức, viên chức được bố trí không quá 3 cấp phó (trừ đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư).
Theo ông Dũng, việc rà soát chức vụ, chức danh lãnh đạo sẽ được thực hiện từ chức danh Tổng bí thư xuống đến cán bộ xã, bao gồm cả cơ quan Quốc hội, Chính phủ, toà án, kiểm sát... Trong đó, nội dung đặc biệt quan trọng là xây dựng bảng phân loại chức vụ tương đương trong hệ thống chính trị.
Hiện nay, các chức vụ, chức danh tương đương được quy định trong bảng lương. Theo đó, Chủ tịch Mặt trận tỉnh tương đương với Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Phó chủ tịch tỉnh; Giám đốc Sở tương đương với trưởng ban của HĐND tỉnh, trưởng ban Đảng không phải ủy viên ban thường vụ, trưởng đoàn thể ở tỉnh.
Tuy nhiên, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương, khối mặt trận đang đề nghị phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh (nhóm phó đoàn thể của tỉnh) phải xếp ở nhóm cao hơn. "Tình hình kinh tế đã thay đổi, cộng với việc thành lập thêm các tổ chức mới, thay đổi chức năng nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị nên cần xác định lại chức danh tương đương để làm căn cứ xác định tiền lương", ông Dũng nói.
Theo ông, do Hội nghị Trung ương dự kiến họp vào tháng 10 nên Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương phải hoàn thiện việc xác định chức vụ, chức danh lãnh đạo trong quý III để kịp trình Bộ Chính trị xin ý kiến Hội nghị Trung ương. Nếu việc này để muộn hơn thì sang năm 2020 mới trình xin ý kiến, khi đó sẽ khó cải cách tiền lương theo đúng lộ trình là 2021.
Việt Nam đã thực hiện cải cách tiền lương 4 lần vào các năm 1960, 1985, 1993, 2003, nhưng đến nay chính sách tiền lương vẫn tồn tại nhiều bất cập. Đề án cải cách chính sách tiền lương được Hội nghị trung ương 7 thông qua 5/2018, sẽ trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo để phù hợp với Luật cán bộ, công chức và viên chức.
Thang, bảng lương mới quy định bằng số tiền tuyệt đối, thay cho việc quy định hệ số lương nhân với mức lương cơ sở như lâu nay. Cụ thể sẽ có một bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã; một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo.
Ba bảng lương đối với lực lượng vũ trang, gồm bảng lương cho sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm/cấp hàm); bảng lương cho quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an và bảng lương cho công nhân quốc phòng, công nhân công an.