Sáng 7/2, ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị tổ chức lễ giao nhận công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự năm 2023. 19 tỉnh, thành đã hoàn tất việc này hôm qua, gồm Hà Nội, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế. Các tỉnh thành còn lại lần lượt giao quân ngày 8-10/2.
Thượng tá Nguyễn Quốc Du, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự TP Thanh Hóa, cho hay tháng 1 hàng năm, chủ tịch cấp xã báo cáo về cơ quan quân sự cấp huyện số nam thanh niên trong độ tuổi 17 để đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu. Đến tháng 4, chỉ huy trưởng quân sự ra lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự cho xã phường. Tháng 10-11, căn cứ vào chỉ tiêu được giao, hội đồng nghĩa vụ quân sự khám sơ tuyển tại xã phường, sau đó khám tuyển ở cấp thành phố và chốt danh sách trúng tuyển nghĩa vụ quân sự vào khoảng tháng 12.
Theo quy định, số thanh niên khám tuyển gọi không quá bốn lần chỉ tiêu được giao. Năm 2023, TP Thanh Hóa được giao 150 chỉ tiêu nghĩa vụ quân sự nên gọi khám nghĩa vụ khoảng 600 người.

Hơn 1.400 thanh niên tỉnh Thừa Thiên Huế lên đường nhập ngũ, sáng 6/2. Ảnh: Võ Thạnh
Từ tháng 8/2022, Ban Chỉ huy quân sự xã Nghi Ân, TP Vinh, Nghệ An, rà soát người trong độ tuổi 18-25. Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Nguyễn Hồng Sơn cho biết, có 38 thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ.
Sau khi chốt danh sách, tháng 10/2022, Ban Chỉ huy quân sự xã phát lệnh gọi 25 thanh niên khám sơ tuyển tại trạm y tế xã. Họ được đo chiều cao, cân nặng và kiểm tra các yếu tố sức khỏe khác. Kết quả 16 người được chọn tham gia khám chi tiết vòng 2 để chọn 5 thanh niên nhập ngũ.
Trong số này, có thanh niên đang học đại học, cao đẳng, học nghề, đang đi xuất khẩu lao động, chuẩn bị xuất khẩu lao động hoặc có hoàn cảnh gia đình khó khăn... Trường hợp có người thân bệnh hiểm nghèo, hoặc bố mẹ vừa qua đời vẫn thuộc diện tham gia khám nghĩa vụ. Tuy nhiên, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã sẽ xem xét khi họ có đơn trình bày khó khăn, xin tạm hoãn để lo việc gia đình.
"Các trường hợp được tạm hoãn tham gia sơ khám nghĩa vụ đều được cân nhắc kỹ lưỡng, bản thân người tạm hoãn phải có đơn, được cán bộ thôn xóm nơi cư trú xác nhận", lãnh đạo Ban Chỉ huy quân sự xã cho hay.
Tại Hà Tĩnh, từ đầu mùa tuyển quân, các cấp quân sự từ xã đến huyện đã phát thông tin trên loa truyền thanh, cử cán bộ tới nhà thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ để tuyên truyền. Những công dân đủ điều kiện sau khi sơ khám ở xã sẽ lên huyện để khám toàn phần, từ cân nặng, chiều cao, vòng ngực, mắt, mạch, huyết áp, nội khoa, ngoại khoa, xét nghiệm máu... Người bị loại thường mắc các bệnh về mắt, huyết áp và mạch.

Người mẹ lưu luyến tiễn con lên đường nhập ngũ tại TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, sáng 7/2. Ảnh: Đức Hùng
Ông Lê Đình Bá, Chỉ huy trưởng quân sự xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc cho biết, đa số thanh niên trong xã đi làm ăn ở miền Nam, hoặc xuất khẩu lao động. Năm nay, có 36 người khám sức khỏe, song chỉ trúng tuyển 6, vừa đủ chỉ tiêu được giao. "Thanh niên trong xã đi xuất khẩu lao động bằng đường du học rất nhiều. Do đã nộp hàng trăm triệu đồng cho phía môi giới để làm thủ tục nên khi có lệnh gọi khám tuyển, đa số không tham gia và tìm cách né tránh", ông Bá nói.
Một số thanh niên cố tình dùng "tiểu xảo" để bị loại khi khám tuyển sức khỏe như uống thuốc tăng huyết áp, tăng mạch, khi khám thì nôn mửa. Có người mắt bình thường, nhưng khi đọc chữ số thì vờ như không thấy. "Một lần gặp trường hợp giả vờ bị bệnh về mắt, tôi hỏi cháu đi bộ đội không đạt tiêu chuẩn về mắt, nhưng tại sao đi khám xuất khẩu lao động lại đạt? Thanh niên ú ớ bảo do được du di", ông Bá kể.
Đầu tháng 1, xã Mỹ Lộc có 16 thanh niên bị phạt hành chính do không chấp hành lệnh gọi khám nghĩa vụ quân sự 2023. Những trường hợp này đang làm việc ở Thái Lan, do trục trặc giấy tờ nên không về kịp theo lệnh gọi.
Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự TP Thanh Hóa Nguyễn Quốc Du cho biết, quá trình tuyển quân năm nay cũng gặp một số khó khăn do thanh niên đến tuổi nhập ngũ thường thi đậu đại học, cao đẳng với tỷ lệ rất cao nên được hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự. Số có vấn đề về thị lực, huyết áp... không đạt yêu cầu cũng khá lớn. Vừa qua, TP Thanh Hóa đã xử phạt một công dân ở phường Ba Đình do cố tình không khám tuyển nghĩa vụ.
TP Hải Phòng cũng gặp khó khi xem xét, khám tuyển để chọn trên 3.000 công dân nhập ngũ năm 2023. Thượng tá Phạm Hồng Thuất, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự thành phố, cho biết công dân mắc tật khúc xạ về mắt, tim mạch, huyết áp, xăm hình có xu hướng tăng, không đáp ứng các tiêu chuẩn nhập ngũ. Có quận tỷ lệ này chiếm trên 80%.
Theo ông Thuất, số công dân nam có xu hướng giảm dần theo sự phát triển dân số tự nhiên. Qua 5 năm, từ 2017 đến 2022, số công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ giảm trên 30.000. Nhiều gia đình cũng có có nguyện vọng cho con em được học tập, có việc làm ổn định, không muốn nhập ngũ.

Thanh niên Thừa Thiên Huế ngày lên đường nhập ngũ, 6/2. Ảnh: Võ Thạnh
Đại tá Nguyễn Quốc Hải, Trưởng phòng Quân số chính sách (Cục Quân lực), Bộ Tổng tham mưu, cho biết khó khăn lớn nhất nhưng cũng là mục tiêu, yêu cầu đặt ra đối với các địa phương là tuyển quân đủ chỉ tiêu, chất lượng và an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, thực tế số đông thanh niên trong độ tuổi gọi nhập ngũ là lao động chính trong gia đình, đi làm xa nhà, dài ngày. Các gia đình hiện chỉ có 1-2 con, nguyện vọng được học tập, có việc làm ổn định, sống gần nhà. Điều này dẫn đến tình trạng công dân tìm cách trốn nghĩa vụ quân sự có dấu hiệu gia tăng.
Ngoài ra, tỷ lệ thanh niên bị tật khúc xạ về mắt, nhất là khu vực thành thị ngày càng cao cũng ảnh hưởng đến nguồn sẵn sàng nhập ngũ, gây khó khăn cho địa phương trong đảm bảo chi tiêu, chất lượng công dân nhập ngũ.
Về đề xuất quy định bắt buộc 100% công dân trong độ tuổi đủ điều kiện, tiêu chuẩn phải nhập ngũ, đại tá Hải khẳng định luật pháp đã quy định nội dung này. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố chi phối như cơ sở vật chất, nhà ở, thao trường bãi tập, đặc biệt là điều kiện kinh tế đất nước còn hạn hẹp nên chưa thể gọi hết nam thanh niên trong độ tuổi vào phục vụ tại ngũ.
Hàng năm, quân đội chỉ gọi nhập ngũ số lượng tối thiểu để đảm bảo lực lượng cho các đơn vị thường trực huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ cứu nạn và nhiệm vụ đột xuất khác. "Về lâu dài, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu đề xuất khi điều kiện kinh tế xã hội đất nước cho phép sẽ tuyển chọn, gọi hầu hết thanh niên đủ tiêu chuẩn nhập ngũ, đảm bảo công bằng xã hội và thay quân theo luật định", ông Hải nói.
Nhóm phóng viên