Phòng xét nghiệm có 5 phòng tương ứng với 5 công đoạn. Trong đó, công đoạn xử lý mẫu là lâu nhất, còn xét nghiệm đã có máy thực hiện, bác sĩ Hoàng Quốc Cường, Phó Viện trưởng Paster TP HCM, cho biết.
Thông thường khi xét nghiệm một mẫu bệnh phẩm, chu trình máy chạy phản ứng khoảng 80 phút, sau đó kỹ thuật viên đọc kết quả trên phần mềm máy vi tính. Trong quá trình xét nghiệm, nhân viên y tế luôn phải đảm bảo an toàn và thao tác chính xác để có kết quả đúng, tránh lây nhiễm chéo giữa các mẫu xét nghiệm và lây nhiễm trong phòng xét nghiệm.
Ngoài Bệnh viện 199, Viện Pasteur TP HCM còn hỗ trợ Đà Nẵng thiết lập phòng xét nghiệm tại Bệnh viện C, chỉ trong vòng hai ngày là hoàn thành. Các phòng xét nghiệm này theo tiêu chuẩn Tổ chức Y tế Thế giới, đảm bảo an toàn sinh học và quá trình xét nghiệm khẳng định nCoV.
Đến nay cả nước có 119 phòng xét nghiệm đủ năng lực xét nghiệm nCoV, trong đó 71 cơ sở được xét nghiệm khẳng định. Miền Bắc 34 cơ sở, miền Nam 28, miền Trung 7, Tây Nguyên hai.
Các địa phương đang tăng tốc việc xét nghiệm khẳng định Covid-19, nhằm kịp thời phát hiện ca nhiễm và khoanh vùng dập dịch. Từ ngày 23/7 đến 14/8, cả nước đã thực hiện khoảng 275.500 xét nghiệm RT-PCR. Đà Nẵng đã thực hiện hơn 63.600 xét nghiệm; Hà Nội hơn 14.000 xét nghiệm; TP HCM gần 71.000 xét nghiệm.
Riêng Đà Nẵng là tâm dịch, tăng cường nhân lực và trang thiết bị xét nghiệm nCoV, mỗi ngày có thể lấy từ 8.000 đến 10.000 mẫu. Thành phố tiến hành phương pháp xét nghiệm gộp (theo nhóm), tập trung vào lấy mẫu các khu dân cư xuất hiện ổ dịch và có các ca Covid-19, nhằm nhanh chóng khoanh vùng, truy vết và tăng năng lực xét nghiệm cộng đồng. Những trường hợp nghi nhiễm hoặc có tiếp xúc gần (F1), được lấy mẫu xét nghiệm riêng.
Ngoài ra, phương pháp mới là GeneXpert vừa được bổ sung. Đây cũng là phương pháp xét nghiệm RT-PCR song tốc độ nhanh, chính xác và tự động nhiều hơn nhờ quy trình tách chiết, pha trộn đến phân tích mẫu.
Thùy An