Sau việc khoảng 4.000 học sinh lớp 9 của quận Thanh Xuân phải thi lại môn Toán học kỳ I do đề thi lần đầu quá khó, 70% học sinh đạt điểm dưới trung bình, vấn đề ra đề thi học kỳ được phụ huynh đặc biệt quan tâm.
Với khối THCS, theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2019-2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận huyện, thị xã chịu trách nhiệm ra đề rà soát chất lượng môn Ngữ văn, Toán, tiếng Anh cho học sinh lớp 9, kiểm tra chung học kỳ I, II các môn Ngữ văn, Toán, tiếng Anh (và môn thứ tư) lớp 9, tổ chức chấm chéo và chuẩn bị tốt kiến thức, kỹ năng cho đổi mới kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT.
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ, cho biết ngoài việc ra đề thi lớp 9 như hướng dẫn của Sở, Phòng còn ra đề thi cho khối 8 và học sinh hai khối 4, 5 của cấp tiểu học. Việc này đã thực hiện 7-8 năm, học sinh làm bài cùng ngày, cùng giờ, tổ chức chấm chéo.
Mỗi trường phải gửi lên Phòng Giáo dục và Đào tạo quận hai đề mỗi môn. Chuyên viên của Phòng sẽ tổ chức chọn lọc, biên tập lại thành một đề chung cho toàn quận. "Chúng tôi chỉ lấy dạng đề, sau đó biên tập chứ không lấy toàn bộ một bài trong các đề trường gửi lên, tránh việc lộ", ông Vũ nói.
Sau khi biên tập và xây dựng đề thi các môn, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành lập hội đồng phản biện gồm chuyên viên và giáo viên cốt cán của các trường để thẩm định xem đề có phù hợp với trình độ học sinh và tuân thủ quy định ra đề hay không. Khi đề được thông qua, Phòng tổ chức in đề theo quy trình khép kín. Buổi chiều tối trước ngày thi, các trường đến Phòng nhận đề đã được chia vào túi niêm phong, đủ với số lượng học sinh từng phòng.
"Nhằm tạo thuận lợi cho các trường, tránh xáo trộn và tạo cảm giác nặng nề, sau khi thi, Phòng tổ chức hướng dẫn chấm rồi giáo viên trở về và chấm thi tại trường. Các bài thi phải được rọc phách", ông Vũ thông tin.
Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ cho rằng hình thức thi hết kỳ do Phòng ra đề có ưu điểm là tạo ra sự công bằng, hình hành một thang đánh giá chung, đúng thực lực cho các em. Để phù hợp với số lượng lớn học sinh, đề thi chung do Phòng ra thường dễ hơn đề do trường tự ra.
Tuy nhiên, ông Vũ đánh giá, việc tổ chức thi chung toàn quận yêu cầu sự đầu tư về thời gian, nhân lực, nếu đơn vị nào chưa làm thành thạo thì ít nhiều gây xáo trộn, tạo tâm lý nặng nề cho học sinh.
Quận Hà Đông (Hà Nội) cũng tổ chức ra đề thi hết kỳ ba môn Ngữ văn, Toán và tiếng Anh cho học sinh lớp 9. Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông thông tin, trước thi khoảng hai tuần, mỗi trường nộp lên một đề của một môn. Phòng thành lập nhóm ra đề gồm chuyên viên, giáo viên cốt cán của các trường để nghiên cứu tất cả đề, nắm mặt bằng lực học chung của học sinh lớp 9 trong quận, từ đó sẽ biên tập và ra mỗi môn ba đề.
Khi có ba đề thi hoàn chỉnh, nhóm thẩm định được thành lập, chuyên biệt với nhóm ra đề để phản biện. Nhóm thẩm định thường là giáo viên dạy đội tuyển của các trường, có kỹ năng phản biện tốt. Trước khi thi khoảng hai ngày, lãnh đạo Phòng sẽ bốc thăm, chọn một trong ba đề sau khi thẩm định thành đề chính thức và in trên quy trình bảo mật, khép kín. Đề in hoàn thiện sẽ được chia vào các túi, niêm phong và được nhà trường lên nhận vào 6h sáng của ngày thi.
"Đề thi học kỳ của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông được bảo mật cao, sát với trình độ học sinh trên địa bàn. Có thể đề thi của quận Hà Đông dễ hơn các quận khác, quan trọng là xây dựng được ma trận đề với yêu cầu kiến thức học sinh cần đạt với mức độ phù hợp", bà Hằng nói.
Hiệu trưởng một trường THPT công lập ở quận Hai Bà Trưng cho biết, khác với khối tiểu học và THCS, các trường THPT trên địa bàn chịu sự quản lý trực tiếp của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tự chủ ra đề thi học kỳ các môn đối với học sinh cả ba khối. Trước kỳ thi khoảng 2-3 tuần, các tổ chuyên môn của trường sẽ họp để xây dựng ma trận đề, ví dụ câu 1 ở mức nhận biết, câu 2 đọc hiểu và câu 5 là kiến thức vận dụng cao.
Sau khi thống nhất được ma trận đề, một giáo viên trong tổ chịu trách nhiệm ra đề và nhận ý kiến phản biện từ một thành viên khác. "Bước phản biện đóng vai trò quan trọng trong quy trình ra đề thi, giúp giáo viên rà soát sự chính xác, phù hợp của đề thi với năng lực học sinh trong trường", nữ hiệu trưởng nói. Khi đã thống nhất và có đề thi hoàn chỉnh, tổ chuyên môn nộp lên để hiệu trưởng duyệt và tiến hành in, giữ bí mật đề.
Hiệu trưởng này cho rằng, quy trình ra đề giữa các cấp và các trường trên địa bàn thành phố Hà Nội không khác nhau nhiều, điều quan trọng là đề thi cần được xây dựng phù hợp với năng lực với học sinh trong trường hoặc trên địa bàn.
Thanh Hằng