Bước thứ hai, đoàn kiểm tra thống nhất lịch làm việc, yêu cầu tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo chuẩn bị báo cáo và cung cấp tài liệu; có hồ sơ giải trình bằng văn bản gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư thông qua đoàn kiểm tra. Sau khi nghiên cứu, thẩm tra, đoàn sẽ gặp người tố cáo để lấy thêm thông tin nếu cần, nhưng phải có biện pháp bảo vệ họ.

Trường hợp vi phạm rõ đến mức phải kỷ luật và tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo tự giác nhận hình thức kỷ luật tương xứng, trưởng đoàn kiểm tra báo cáo Thường trực Ban Bí thư cho thực hiện quy trình kép - thi hành kỷ luật cùng với giải quyết tố cáo.

Trong khi xác minh, nếu đoàn phát hiện tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm khác thì trưởng đoàn báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định. Hồ sơ có thể sẽ chuyển sang kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm việc.

Hoàn tất các bước kiểm tra, đoàn xây dựng dự thảo báo cáo kết quả giải quyết tố cáo, sau đó tổ chức hội nghị thông qua báo cáo. Tại hội nghị, tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo được giải trình, tự nhận hình thức kỷ luật. Hội nghị sẽ thảo luận, bỏ phiếu kín để quyết định hình thức kỷ luật, có báo cáo đến ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư để tổ chức hội nghị xem xét, kết luận. Nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng thì đoàn kiểm tra báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo trước khi trình Trung ương.

Cuối cùng, đoàn kiểm tra hoàn thiện thông báo kết luận giải quyết tố cáo, quyết định kỷ luật hoặc báo cáo đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật trình Thường trực Ban Bí thư ký ban hành.

Theo Hiến pháp 2013, mọi người đều có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của tổ chức, cá nhân. Theo luật tố cáo, mục đích của tố cáo nhằm phát giác, ngăn chặn, hạn chế kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm đến lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức...