Giai đoạn 1: Khiếu nại thắc mắc
Ngay sau khi Năm Cam bị cải tạo, gia đình "ông trùm" đã có đơn khiếu kiện tập trung vào hai vấn đề chính. Thứ nhất, Năm Cam do bị bắt cải tạo bất ngờ, không qua xét duyệt của hội đồng tư vấn, nên đã bị sốc làm tổn hại đến tinh thần và sức khoẻ. Trong trại, Năm Cam bị viêm tuỷ ở chân răng hàm bên trái nhưng không được cán bộ trại đưa đi chữa trị kịp thời. Thứ hai, ông Nguyễn Hữu Ngọc, cán bộ Cục Cảnh sát hình sự đã "tước" điện thoại di động và máy nhắn tin của Năm Cam, gây thiệt hại hơn 20 triệu đồng.
Sau khi nhận đơn, lãnh đạo Cục Quản lý giam giữ - cải tạo Bộ Công an (V26) đã cử cán bộ lên trại Thanh Hà xác minh. Qua đấu tranh với Năm Cam, hai vấn đề đã được làm rõ: Bệnh ở chân răng của Năm Cam là có từ trước và đã được Ban giám đốc trại tới Bệnh viện Vĩnh Yên để chữa trị 4 lần. Hơn nữa, trong bản khai trả lời cán bộ kiểm tra, Năm Cam khẳng định tình trạng sức khỏe rất tốt. Thứ hai, việc tịch thu điện thoại, nhắn tin là để phục vụ công tác điều tra.
Giai đoạn 2: Cầu cứu các cơ quan chức năng
Đơn thư tập trung vào các thủ tục tố tụng khi bắt, đưa Năm Cam đi cải tạo. Gia đình Năm Cam gửi đơn đến cơ quan pháp luật như Bộ Nội vụ, VKSND Tối cao, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội… Các đơn thư này sau đó được chuyển tới V26 bằng phiếu chuyển đơn hoặc công văn yêu cầu báo cáo, giải thích, giải quyết. Cùng lúc, VKSND Tối cao có văn bản 1333 do Viện phó Phạm Sĩ Chiến ký gửi Bộ Nội vụ kiến nghị huỷ quyết định tập trung cải tạo với Năm Cam.
Giải quyết những đơn thư này, lãnh đạo V26 đã xuống gặp Năm Cam. Kết quả, Năm Cam đã thừa nhận thời gian 1980-1982 y đã bị đưa đi cưỡng bức lao động tại trại Đồng Phúc (Sông Bé) vì tội tổ chức đánh bạc. Tình tiết này y không khai trong hồ sơ khi bị đưa đi tập trung cải tạo tại trại Thanh Hà. Nó đã phủ nhận việc VKSND Tối cao nói rằng Năm Cam không có tiền án tiền sự và việc đưa Năm Cam đi cải tạo là thiếu cơ sở pháp lý.
Giai đoạn 3: Viện dẫn pháp luật
Loạt đơn này được tung ra khi Năm Cam đã ở trại Thanh Hà được 24 tháng 4 ngày. Lúc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính, và Bộ Nội vụ đang xây dựng Thông tư 04 hướng dẫn việc giải quyết những trường hợp tồn đọng sau khi có Pháp lệnh. Trong khi các cơ quan thi hành pháp luật chưa được hướng dẫn thực hiện thì những lá đơn của gia đình Năm Cam gửi đến cơ quan chức năng đã viện dẫn rất chi tiết và chính xác từng điều khoản trong pháp lệnh này.
Trong đơn khẳng định, Điều 23 Pháp lệnh quy định việc tập trung cải tạo chỉ có thời hạn 24 tháng, trong khi Năm Cam bị giam quá thời hạn 4 ngày. Các cán bộ của V26 một lần nữa phải giải thích với Năm Cam cùng hơn 10 đối tượng ở Thanh Hà là họ không nằm trong nhóm đối tượng xử phạt vi phạm hành chính, mà vẫn chịu sự điều chỉnh của Nghị quyết 46.
V26 khẳng định, nếu Năm Cam thuộc diện xử phạt hành chính mà bị giữ lại thêm một ngày thì Ban giám đốc trại sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khi đó Năm Cam mới thôi không khiếu kiện, thắc mắc.
(Theo Người Lao Động)