Có nhiều năm kinh nghiệm làm dịch vụ đăng ký thành lập doanh nghiệp, anh Trần Ngọc Thạch (Hà Nội) cho biết quy trình thành lập doanh nghiệp hiện khá đơn giản. Vài ngày từ khi hoàn thiện hồ sơ, người lập doanh nghiệp sẽ nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, mã số thuế và con dấu.
Cơ quan đăng ký không thẩm định số vốn góp tại thời điểm đăng ký mà các cổ đông phải góp đủ vốn trong vòng 90 ngày từ ngày được cấp giấy đăng ký doanh nghiệp. Đến hạn, doanh nghiệp không đủ vốn thì có quyền điều chỉnh số vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được trả đủ.
Việc chứng minh góp đủ vốn cũng không bắt buộc chuyển khoản qua ngân hàng với cổ đông cá nhân. Họ có thể góp vốn bằng tiền mặt hoặc các cách khác (tài sản). Như vậy, công ty chỉ cần lập chứng nhận góp vốn bằng tiền mặt và đưa vào hồ sơ sổ sách kế toán.
Về quy trình đăng ký, đầu tiên tổ chức, cá nhân có nhu cầu thành lập doanh nghiệp cần xác định loại hình doanh nghiệp mà mình muốn thành lập. Ví dụ, công ty cổ phần cần có giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, điều lệ công ty, danh sách cổ đông cùng bản sao giấy tờ cá nhân, quyết định thành lập...
Người thành lập doanh nghiệp sau đó trực tiếp hoặc uỷ quyền cho người khác đến nộp hồ sơ tại Phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở. Hiện nay tại Hà Nội, doanh nghiệp nộp hồ sơ qua mạng.
Trong ba ngày từ khi nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đây là một trong những điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2014, bởi theo luật cũ là 10 ngày.
Theo anh Thạch, quy trình đăng ký doanh nghiệp hiện mở hơn trước song vẫn phải qua nhiều quy trình. Bởi vậy gần đây cổ đông Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC (USC Interco) nói đăng ký số vốn điều lệ 144.000 tỷ đồng là do "say rượu" nên "nhầm" là khó có căn cứ.
Hiện, doanh nghiệp được thành lập trên tinh thần tự chịu trách nhiệm. Trong đơn đề nghị thành lập doanh nghiệp đều có quy định doanh nghiệp phải cam kết các thông tin là chính xác và phải tự chịu trách nhiệm.
Phân tích vấn đề pháp lý, luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty luật Bảo An, Hà Nội) cho biết theo điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014, vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần.
Việc đăng ký vốn điều lệ do các cổ đông, thành viên công ty thực hiện kê khai khi thành lập doanh nghiệp. Việc kê khai thực hiện tại các biểu mẫu như: điều lệ, giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, danh sách cổ đông nên rất khó xảy ra việc nhầm lẫn. Cơ quan đăng ký kinh doanh không thẩm tra việc kê khai có thật hay không mà các cổ đông tự chịu trách nhiệm về việc kê khai này.
Sau thời hạn quy định, thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty. Trường hợp có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần.
Nếu không đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp thì công ty bạn có thể bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng theo khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Theo luật sư Vinh, hiện nay việc đăng ký vốn ảo khá phổ biến bởi pháp luật thông thoáng, sự kỳ vọng của thành viên sáng lập sẽ phát triển trong tương lai hoặc nhằm tạo "hình ảnh" doanh nghiệp lớn mạnh trước đối tác... Hiện nay có nhiều công cụ để thẩm tra năng lực doanh nghiệp nên một doanh nghiệp có vốn ảo thì đã tự hạ thấp chính mình.