Nhơn Bình là một trong hai nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn TP Quy Nhơn, được thiết kế với công suất 14.000 m3/ngày đêm. Thời gian qua, nhà máy này được đầu tư mở rộng, nằm trong hợp phần mở rộng hạ tầng vệ sinh, do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Sau 5 năm triển khai, hạng mục nâng cấp nhà máy đã hoàn thành thi công, nâng công suất lên 28.000 m3/ngày đêm. Dự án cũng hỗ trợ đầu tư mạng lưới cống thoát nước một số khu vực trên địa bàn thành phố và hệ thống cống cấp ba (có chiều dài khoảng 28,8 km), xây dựng lắp đặt hệ thống SCADA nội bộ cho các trạm bơm nước thải.
Đại diện Ban Quản lý dự án dân dụng và công nghiệp Bình Định cho biết nhà máy mở rộng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và cấp phép hoạt động, đang vận hành thử nghiệm xử lý nước thải, dự kiến bàn giao cho TP Quy Nhơn vào tháng 7. Nhà máy cũng được đầu tư hệ thống xử lý mùi phát tán ra môi trường và xử lý bùn lắng định kỳ.
Theo UBND TP Quy Nhơn, hiện nay, nước thải từ các hộ gia đình thuộc 12 phường nội thành và 4 phường ngoại thành được thu gom thông qua mạng cống cấp ba và các hố đấu nối dẫn về tuyến cống cấp hai và cấp một. Sau đó, nước thải được tách bằng các giếng tách, qua các tuyến cống bao về các trạm bơm để bơm về hai nhà máy xử lý nước thải. Trong đó, nhà máy Nhơn Bình với công nghệ xử lý sinh học, lọc nhỏ giọt kết hợp hóa chất tăng cường, đang là cơ sở xử lý chính, vận hành đạt 99,3% công suất. Bình quân, mỗi ngày đêm, nhà máy này xử lý 13.900 m3 nước thải.
Khối lượng nước thải sinh hoạt trên địa bàn Quy Nhơn hiện nay khoảng hơn 41.000 m3/ngày đêm. Số hộ được đấu nối nước thải đạt 59,97%. Lượng nước thải thu gom về nhà máy Nhơn Bình khoảng 37.000 m3/ngày đêm. Với công suất thiết kế, nhà máy này chỉ xử lý được 38% lượng nước thải thu gom. Việc nâng công suất là cần thiết để tăng khả năng xử lý, tránh đưa nước thải ra môi trường.
Bà Đinh Thị Hồng Điều, Phó Giám đốc Ban Quản lý dịch vụ công ích TP Quy Nhơn biết dù hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải của thành phố đã được đầu tư cơ bản, tuy nhiên khoảng 40% số hộ dân ở các phường vùng ven vẫn chưa được đấu nối. Những khu vực này hệ thống mạng lưới cấp ba chưa được phủ đều. Những khu dân cư cũ, hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đấu nối vào hệ thống chung nên người dân vẫn tự xử lý bằng nhiều cách khác nhau.
Theo lãnh đạo UBND thành phố, đầu tư hạ tầng, hệ thống mạng lưới cấp ba cần nguồn vốn lớn. Từ năm 2022, thành phố đầu tư 30 tỷ đồng để xây dựng mạng lưới này, đồng thời tiếp tục tu sửa, bảo trì và cải tạo hệ thống đấu nối hiện có, Sau khi nhà máy xử lý nước thải Nhơn Bình hoàn thành đầu tư, thành phố sẽ mở rộng mạng lưới đấu nối ở các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú... Đồng thời, chú trọng tuyên truyền để người dân tham gia đấu nối vào hệ thống chung.
Hoài Phương