Anh Ngân Văn Long, bố Thái, chẳng hiểu cái mô tê, chỉ thấy thằng bé chộn rộn không yên, nhưng cũng gật đầu.
Trụ sở UBND xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa ngày 3/1 nhộn nhịp người lớn và trẻ nhỏ đứng chật 3 khoảng sân. 11h trưa, chiếc xe của Quỹ Hy Vọng báo VnExpress đỗ tại cổng Ủy ban xã, hơn 200 phụ huynh cùng con trẻ và thầy cô đứng từ xa vẫy tay chào đón. Ở xã Sơn Thủy, Quỹ Hy Vọng dành tặng 100 bao lì xì tiền mặt 1 triệu đồng và 100 suất quà, trị giá mỗi phần 500.000 đồng (gồm áo bu-dông, gạo, mì tôm thực phẩm, bột giặt, bánh kẹo...).
Cu Thái khệ nệ ôm đống quà chạy về phía bố, không giấu nổi niềm vui. Cậu bé bóc túi áo bu-dông, ướm thử vào người mặc kệ trưa nắng chang chang. Đây là cái áo phao mới đầu tiên trong đời Thái. Anh Long nhìn con trai rớm nước mắt.
Những mùa đông ở miền núi Quan Sơn có thể xuống dưới âm 5 độ C. Những đêm sương giá đốt củi không đủ ấm, anh Long nhường chăn ấm quấn cho vợ con, rồi lao ra ngoài, chạy 4-5 vòng quanh nhà cho toát mồ hôi, rồi vào ngủ tiếp. Người cha vuốt vuốt lưng áo con trai, cái áo dài quá đầu gối. "May quá, thế này là mặc được 3, 4 năm rồi".
Thao Thị Dợ 12 tuổi, nhà ở bản Mùa Xuân, cách trung tâm xã 24 km. Bé gái người Mông mất bố và em trai trong cơn lũ số 3 hồi tháng 8/2019 đứng nhìn bố con Thái ríu rít mang quà về nhà, tủi thân. Dợ bảo tuần sau sẽ đi bộ mang gạo và mì về cho mẹ, còn cái áo ấm, sẽ nhường cho em trai.
Đây cũng là lần đầu tiên trong đời cô bé được ai đó tặng quà. Nó ngồi một góc sân, tỉ mẩn mở từng thứ bánh kẹo, dầu ăn, mắm muối ra xem rồi cất vào túi, buộc cẩn thận. "Em sẽ mang về ăn Tết với mẹ. Em chưa muốn lấy chồng". Dợ hứa năm sau, sẽ tiếp tục xuống trường đi học.
Xã Sơn Thủy là một trong 12 xã đặc biệt khó của huyện biên giới Quan Sơn với 25% hộ nghèo. Nhiều bản dân tộc thiểu số như bản Mùa Xuân của Dợ, cách trung tâm xã 20-24 km, chưa có điện, đường, trường, trạm và thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.
Cách Sơn Thủy 30 km về hướng Tây là bản Sa Ná, xã Na Mèo, nơi 24 căn nhà bị lũ kéo sập trong cơn lũ quét hồi tháng 8/2019. Mười người mất tích trong lũ, giờ mới tìm thấy 6 thi thể.
Năm tháng sau cơn lũ, con đường vào bản Sa Ná vẫn còn ngổn ngang những xác nhà đổ nát và đồ đạc, gốc cây chìm trong bùn. Khu tái định cư đã dần hoàn thiện nhưng trong nhiều căn nhà vắng bóng người cha, người mẹ và cả lũ trẻ con.
Con đường từ xã vào bản vẫn chưa khôi phục như cũ. Ba giờ chiều, trong 100 gương mặt trẻ nhỏ nhận quà Tết ở UBND xã Na Mèo vắng mặt tất cả trẻ em Sa Ná vì "xa xôi, khó khăn lắm, không ra được", cô giáo tiểu học điểm trường bản Son tâm sự.
Điểm trường bản Son cũng bị lũ cuốn trôi trong cơn lũ. Năm học mới, điểm trường mới đã kịp thời được xây dựng. Trong những phòng học còn nguyên mùi vôi đã có đủ phấn bảng, bàn ghế nhưng những thầy cô cắm bản không nơi ở, đêm đêm vẫn phải ngả lưng nhờ trong những chái nhà của học sinh.
Tết năm nay, họ mong học trò của mình và gia đình sẽ không còn phải hứng chịu những mất mát như đợt lũ năm trước. "Chỉ cần thấy học trò đến lớp, gian khổ nào trong năm mới cũng có thể vượt qua".
Sau hơn hai tuần phát động chương trình trao quà Tết, Quỹ Hy vọng đã nhận được đóng góp từ hơn 2.700 độc giả. Đây là năm thứ ba Quỹ Hy Vọng tổ chức chương trình tặng quà Tết. Năm 2018, gần 2.000 độc giả đã gửi quà qua chương trình để mang Tết về gần hơn cho 1.346 hoàn cảnh là trẻ mồ côi, khuyết tật nặng và người già neo đơn, bệnh nhân trong các trại phong.
Năm 2019, chương trình trao 1.200 phần quà Tết cho trẻ em, gia đình khó khăn diễn ra từ ngày 3 đến 10/1/2020 tại Lạng Sơn, Thanh Hóa, TP HCM, Tây Ninh. Mỗi phần quà trị giá 500.000 đồng và lì xì tiền mặt. Hoạt động có sự đồng hành của công ty xổ số điện toán Việt Nam Vietlott với 500 triệu đồng trích ra từ tiến bán vé số tự chọn cuối tháng 12 để "Trao cơ hội, nối ước mơ".
Độc giả có thể tiếp tục chung tay tặng quà Tết 2020 bằng cách ủng hộ tại đây.
Thanh Lam - Lê Hoàng