Theo Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 được ban hành ngày 8/7, Việt Nam sẽ xây mới khu xử lý chất thải tổng hợp Dung Quất tại ba xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh và Bình Thanh, Bình Hiệp huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Diện tích tối thiểu đến năm 2030 là 82 ha, năm 2050 là 150 ha. Khu này sẽ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, chất thải sinh hoạt, bùn thải.
Về công nghệ, khu xử lý chất thải tổng hợp Dung Quất sẽ áp dụng công nghệ tốt nhất hiện có với định hướng ưu tiên tái chế, xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng phương pháp đốt, làm phân hữu cơ, chôn lấp hợp vệ sinh với chất thải rắn sinh hoạt; chôn lấp, hóa rắn, cô lập, đóng kết đối với chất thải công nghiệp.
Khu thứ hai là chuyển tiếp, xây dựng trên nền khu công nghệ môi trường xanh tại xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, Long An với quy mô đến năm 2030 ít nhất 200 ha, năm 2050 tối thiểu 500 ha. Các loại rác và công nghệ xử lý của khu này sẽ tương tự như khu xử lý Dung Quất.
Quy hoạch đưa ra nguyên tắc các khu xử lý chất thải cấp quốc gia phải có quy mô, công suất lớn, xử lý được nhiều chủng loại chất thải nguy hại; có phạm vi thu gom, tiếp nhận xử lý trên phạm vi cả nước với chất thải nguy hại và chất thải rắn công nghiệp; khuyến khích thu gom chất thải rắn sinh hoạt từ địa bàn giáp ranh.
Quy hoạch cũng xác định xây dựng 7 khu xử lý chất thải cấp vùng; mỗi tỉnh thành sẽ xây dựng một khu xử lý chất thải tập trung cấp tỉnh.
Vùng đồng bằng sông Hồng sẽ chuyển tiếp khu xử lý tại các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ của huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Khu vực trung du và miền núi phía Bắc sẽ chuyển tiếp và bổ sung khu xử lý tại xã Tân Quang và Bá Xuyên, TP Sông Công (Thái Nguyên). Tây Nguyên sẽ xây mới khu xử lý quy mô tối thiểu 60 ha vào năm 2030 tại xã Đạo Nghĩa, huyện Đăk R'lấp (Đăk Nông).
Đông Nam Bộ chuyển tiếp hai khu xử lý ở TP HCM gồm Đa Phước, huyện Bình Chánh và khu xử lý tại xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi; chuyển tiếp khu xử lý tại phường Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát (Bình Dương). Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xây dựng mới khu xử lý chất thải nguy hại tại tỉnh Cà Mau, diện tích tối thiểu đến năm 2030 là 20 ha.
Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia cũng định hướng một số nội dung như: Thành lập mới, mở rộng khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển; quản lý, kiểm soát, cải thiện chất lượng môi trường đất, nước mặt, nước dưới đất; kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm không khí, đặc biệt ở các đô thị lớn; nâng cao năng lực lưu trữ carbon hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng 60.000 tấn rác, trong đó Hà Nội 7.000 tấn, TP HCM 10.000 tấn. 70% lượng rác được xử lý bằng phương pháp chôn lấp.