Chiều 2/6, thảo luận về thực hành tiết kiệm chống lãng phí tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Quốc Hận nói, quy hoạch treo, dự án treo là vấn đề "biết rồi nói mãi, nhưng không nói không được".
Việt Nam là nước nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao, đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng bậc nhất, quyết định đến việc tạo ra các giá trị vật chất cho xã hội. "Ông bà ta có câu tấc đất, tấc vàng. Nhiều quy hoạch treo bỏ hoang hàng tỷ tấc đất thì lãng phí bao nhiêu tấc vàng?", ông Hận nói, nêu thực trạng hàng nghìn hecta đất quy hoạch treo bỏ không, trong khi hàng chục nghìn gia đình đang không có đất để ở, phải ở tạm gầm cầu, ven sông, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
"Các cấp chính quyền cần vào cuộc quyết liệt để có giải pháp khắc phục tình trạng này; kiên quyết xử lý, thu hồi dự án không đủ khả năng triển khai hoặc cố tình kéo dài", ông Hận nói, đề nghị các đơn vị bám sát thực tiễn nhu cầu xã hội, nguồn lực đáp ứng, khả năng triển khai để có quy hoạch phù hợp, khoa học, khả thi, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cũng phản ánh tình trạng hiện nay hàng nghìn khu đất được quy hoạch để làm hạ tầng kinh tế, kỹ thuật; hàng nghìn khu đất dự trữ phát triển, đất hỗn hợp, đất quy hoạch dân cư mới; đất dân cư sinh thái, nhà vườn; đất khu cụm công nghiệp. Cũng có hàng nghìn dự án đã được giao cho chủ đầu tư, nhưng vẫn còn trên giấy.
Trong khi đó, rất nhiều hộ gia đình có đất thuộc các quy hoạch và dự án này bị hạn chế về quyền sử dụng. Phần lớn đất quy hoạch treo có thể sản xuất được, nhưng hiện bị bỏ hoang do hệ thống kênh mương không được nạo vét. "Người dân không thể cải tạo được đất, đường xá không được tu sửa, ảnh hưởng đến sinh kế. Chính phủ, Quốc hội cần xem xét để đảm bảo quyền của người dân, đồng thời tránh lãng phí khi sử dụng đất", bà Tuyết đề nghị.
Đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng trong khi chờ đợi sửa đổi toàn diện Luật Đất đai, Chính phủ cần có giải pháp cụ thể và hữu hiệu hơn nhằm nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác quản lý và sử dụng đất công. Cụ thể, cần có các chính sách hạn chế tình trạng để đất hoang hóa và diện tích đất chưa hoặc không sử dụng trong thời gian dài; thu hồi những dự án không hoặc chậm triển khai, có dấu hiệu găm đất và các quy hoạch treo.
"Quỹ đất có liên quan đến an ninh, quốc phòng nhiều năm bị lấn chiếm, đất tới 30 năm không đưa vào sử dụng thì nên cương quyết thu hồi để giao cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội", ông Tạo đề nghị.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc lý giải "đã quy hoạch thì 5, 10 năm hoặc lâu hơn nữa chứ không phải quy hoạch xong là làm ngay". Như quy hoạch làm đường thì nơi đó không cho dân làm thêm nhà, công trình. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân.
Theo ông, để giải quyết cần tạo cơ chế cho chính quyền địa phương di dời các hộ dân có nguyện vọng đến nơi tái định cư và nhận đền bù trước. "Nếu làm được như vậy, sau này giải phóng mặt bằng sẽ rất thuận lợi, không còn từ quy hoạch treo nữa, vì từ này do dân gian đặt ra", Bộ trưởng Phớc nói.
Trước đó, thẩm tra kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ kiên quyết thu hồi đất các dự án chậm đưa vào sử dụng, đất để hoang hóa, sử dụng không đúng mục đích.
Đại diện cơ quan thẩm tra đánh giá quy hoạch "treo", dự án "treo" và hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, gây lãng phí nguồn lực. Tình trạng buông lỏng quản lý ở một số địa phương để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai như lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép... chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời.