Tôi đem câu hỏi này đến thẳng vài người đang làm công tác thanh kiểm tra. Không có câu trả lời rõ ràng. Đa phần là những lời nói gián tiếp kiểu "hình như là...". Những câu hỏi trực tiếp "Anh/chị đã từng..." hầu như không được trả lời.
Nhưng cuộc tìm hiểu về chủ đề này khiến tôi nhận ra: những người dám làm việc tày đình trong cơ quan công quyền, không thể xuất hiện chỉ sau một phút phát sinh lòng tham. Trong các bài "Nghệ thuật vòi tiền" và "Gánh nặng thanh tra" tại chuyên mục này, các tác giả đã chỉ ra một thực tế quan trọng, rằng vòi vĩnh, ăn bẩn là một quy trình. Nó khác với những vụ việc hình sự có thể đến sau một phút bột phát, như giết người hay gây thương tích. Nhân sự được tham gia vào quy trình này, trước đó thường xuyên phải đi qua một quá trình... quy hoạch.
"Chả có ai tự dưng lại được tham gia việc lớn thế cả. Như thanh tra xây dựng thì cũng phải kiểm tra xây cái tum sai phép, để vật liệu tràn ra hè... rồi mới được thanh tra công tác quy hoạch, quản lý đầu tư chứ", anh bạn cười nhẹ rồi bỏ lửng.
Tôi biết nhiều nhân sự vì "lệch sóng" với Thủ trưởng nên ít được tham gia các đoàn thanh tra. Họ phải làm việc hành chính, thường trực tiếp dân, nhận đơn, vào sổ. Hẳn nhiều người từng nghe về những vụ lệch sóng kiểu này. Và chính tôi, một người đã trượt quy hoạch vì không đẹp lòng cấp trên, biết hơn ai hết rằng ngay trong cơ quan nhà nước cũng phải "có bạn có phường".
Các vụ việc đã đươc công khai cho thấy những thủ đoạn tinh vi, một bộ kinh nghiệm phức tạp. Nếu anh không phải là người được ăn tập bài bản, anh có thể gây nguy hiểm cho đồng phạm.
Có vụ tranh chấp phải lên cửa quan. Một vị quan chức nho nhỏ ra giá 1 tỷ đồng cho vụ tranh chấp tài sản gần 5 tỷ đồng. Qua vài lần thương lượng, số tiền ban đầu là 500 triệu đồng. Đương sự cho tiền vào túi đen mang đến nhà. Chẳng nói câu nào, chủ nhà ra dấu đặt túi tiền xuống đất, đá veo vào trong góc. Vẫn im lặng như vậy, chủ nhà vẫy khổ chủ ra về.
Người đi đưa hối lộ trong vụ này, đã được anh em báo chí chúng tôi căn dặn cẩn thận, chuẩn bị máy ghi âm để làm bằng chứng. Nhưng không có bằng chứng: "ra giá" thì bằng những tín hiệu kiểu "xem thế nào", còn toàn bộ quá trình trao nhận diễn ra mà phía bên kia không nói một lời. Toàn bộ sự việc diễn ra ở nhà riêng, chủ nhà chỉ ra dấu như kịch câm. Cho đến bây giờ, vụ việc vẫn "án binh bất động" mà người đưa tiền không biết lý do. Có thể do chưa chồng đủ tiền. Có thể do vướng mắc tại đâu đó. Nhưng đổi lại vẫn là sự im lặng.
Những câu chuyện tôi vừa kể khá nhàm và không hề xa lạ với đông đảo người dân. Nó có thể diễn ra ở nhiều địa phương, nhiều cấp và chỉ khác nhau ở mệnh giá. Chúng ta cũng từng có một Bộ trưởng hùng hồn khẳng định không cho ai lên chúc Tết, không nhận bất cứ món quà nào... Hơn 2 năm sau, ông này bị khởi tố về tội Nhận hối lộ, theo khoản 4 Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015 - giá trị tài sản hối lộ từ 1 tỷ trở lên.
Trước sự vô tình của tư pháp, tất cả các vụ việc này đều hiện ra như các... vụ việc. Bạn cũng có quyền nghĩ đơn giản như vậy, hoặc có thể dùng kinh nghiệm xã hội để đặt câu hỏi: ai đã dạy họ làm những việc phức tạp như vậy? Bộ kiến thức tinh vi liên quan đến tham nhũng này được học từ đâu? Phải chăng kỹ năng đó hoàn toàn đến từ việc tự chiêm nghiệm? Hay là cũng như mọi môi trường công sở khác, những cô cậu bé mới ra trường sẽ cần đến các anh các chị cầm tay chỉ việc, truyền thụ các đặc trưng nghề nghiệp mà không sách vở nào ghi, rồi cho tham gia các "dự án" từ nhỏ đến lớn, cho đến khi tự biết dùng kịch câm để đòi tiền người dân?
Kết quả Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2018 cho thấy, yếu tố tác động lớn nhất tới mức độ hài lòng đối với hiệu quả quản trị và hành chính công là hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Bên cạnh đó, người dân có cảm nhận vòi vĩnh trong y tế, giáo dục giảm đáng kể so với kết quả khảo sát năm 2017. Tuy nhiên, "lót tay" để có việc làm trong khu vực Nhà nước, vòi vĩnh trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lạm dụng công quỹ chưa giảm.
Trên bình diện thế giới, thông tin từ Diễn đàn kinh tế thế giới (năm 2018) cho hay, số tiền tham nhũng bằng hơn 5% GDP toàn cầu (2,6 nghìn tỷ USD). Còn Ngân hàng thế giới dẫn con số, doanh nghiệp và cá nhân mỗi năm chi hơn 1 nghìn tỷ USD để... hối lộ. Như vậy, việc "lót tay" hay hối lộ thường đến từ 2 phía: Người dân hay doanh nghiệp muốn thỏa hiệp, muốn được việc còn người có quyền thì muốn có lợi ích từ công việc của mình.
Trong sâu thẳm mỗi con người đều có một ước mơ làm mọi việc để thỏa mãn nhu cầu của mình. Họ sẵn sàng phạm tội nếu tội phạm đó có thể không bị trừng trị. Như vậy, nhũng nhiễu, lót tay, hối lộ, tham nhũng hoàn toàn có thể trở thành tập quán trong một bộ máy công quyền với tính chất khép kín của nó.
Việc một vài, thậm chí nhiều quan chức "vào lò" không thể triệt tiêu tập quán này. Nếu như vẫn còn một hệ thống nuôi dưỡng và dạy dỗ một người trẻ từ lúc họ vừa bước chân ra trường đến khi trở thành các con cáo già trong việc hỏi dân "xem thế nào đi chứ".
Chúng ta quan tâm nhiều đến những con người này khi họ đã biết cầm hàng trăm triệu, thậm chí hàng chục tỷ, mà quên mất rằng ai cũng đã trượt đi từ lúc biết cầm hai trăm nghìn. Đấu tranh với tham nhũng lớn liệu có hiệu quả nếu không có một hệ thống pháp lý và tâm lý coi tham nhũng vặt là kẻ thù?
Trần Anh Tú