Năm 2014, tổ chức Hollerback! (Mỹ) đặt camera giấu kín ghi lại cảnh một cô gái phải hứng chịu 108 lần quấy rối trong 10 tiếng đi bộ qua các con phố ở New York. Trong video, khi thấy cô gái, nhiều người đàn ông đã buông lời trêu chọc hoặc bám theo, dù người phụ nữ này không giao tiếp gì với họ.
Không có định nghĩa chung thống nhất song tại một số quốc gia hành vi quấy rối tình dục đường phố được hiểu là bình phẩm, trêu ghẹo, hoặc có cử chỉ khiếm nhã với người lạ mặt ở nơi công cộng khi đối phương không mong muốn. Biểu hiện của quấy rối đường phố bao gồm cả huýt sáo, trêu ghẹo, bám đuôi...
Ngày 17/7, Philippines công khai Đạo luật Không gian an toàn, quy định hành vi huýt sáo, trêu ghẹo, buông lời bình phẩm có tính chất kỳ thị giới... sẽ bị coi là quấy rối tình dục trên cơ sở giới. Người vi phạm lần đầu bị phạt 1.000 Philippine peso và 12 tiếng lao động công ích, phải tham gia khóa học nhạy cảm giới. Ai tái phạm có thể bị phạt tối đa 30 ngày tù giam.
Mức phạt sẽ tăng lên rất nhiều nếu người vi phạm đụng chạm vào vùng kín, mặt, tay, đùi trong, mông của nạn nhân. Với lỗi này, người phạm tội lần đầu sẽ bị phạt 30.000 Philippines peso và 11-30 ngày tù, vi phạm lần hai phạt 50.000 Philippines peso và từ một tới 6 tháng tù. Người tái phạm lần ba bị phạt 100.000 Philippines peso và 4-6 tháng tù.
Luật quy định mức phạt tăng nặng trong trường hợp người phạm tội là nhân viên chính quyền, cảnh sát đang mặc sắc phục. Nhân viên nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim và các khu giải trí có quyền bắt quả tang người vi phạm nhưng cần thông báo cho cơ quan chức năng địa phương.
Năm 2018, Pháp ra luật cấm quấy rối tình dục đường phố sau việc một người đàn ông chọc ghẹo phụ nữ đã tấn công nạn nhân do gặp phải phản ứng quyết liệt. Theo luật này, người nào chọc ghẹo phụ nữ trên đường phố hoặc trong phương tiện công cộng có thể bị phạt ngay tại chỗ tối đa 750 Euro. Mức phạt tăng dần với những hành vi hung hăng và có đụng chạm cơ thể.
Năm 2014 tại Bỉ, luật chống chọc ghẹo phụ nữ và quấy rối tình dục quy định người nào có cử chỉ hoặc lời nói với ý định thể hiện sự khinh thường người khác giới, tấn công nghiêm trọng vào nhân phẩm của họ sẽ bị phạt tù tối đa một năm và 1.000 Euro.
Chính quyền Bồ Đào Nha đưa hành vi quấy rối bằng lời nói vào điều 170 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người nào quấy rối, phô bày thân thể trước mặt nữ giới, có lời mời gọi gợi dục hoặc làm đối phương xấu hổ sẽ bị phạt tù một năm hoặc tối đa 120 Euro.
Năm 2014, Singapore thông qua Luật bảo vệ khỏi quấy rối nhằm giúp nạn nhân có nhiều biện pháp bảo vệ mình hơn. Theo đó, người nào cố ý quấy rối, làm nạn nhân sợ hãi có thể bị phạt tối đa 5.000 SGD và 6 tháng tù. Với hành vi bám đuôi, người vi phạm sẽ bị xử phạt tối đa 5.000 SGD và 12 tháng tù.
Tại Mỹ, chính quyền liên bang không đặt ra luật chung quy định về vấn đề quấy rối đường phố mà mỗi bang sẽ có cách quy định pháp luật khác nhau. Ví dụ, bang Iowa quy định nếu có quấy rối bằng lời nói, người vi phạm có thể bị phạt tối đa 30 ngày tù. Tại bang Louisiana, hành vi quấy rối đường phố không được quy định cụ thể nên chỉ có thể bị xử lý dưới tội danh Gây rối mất trật tự công cộng, với mức phạt 100 USD và tối đa 90 ngày tù.
Quốc Đạt (Theo Manila Bulletin, Vogue, CNN, )