Mỹ
Năm 2008, một cậu bé 2 tuổi qua đời do sợi dây ở áo có mũ trùm đầu (còn gọi là áo hoodie) vướng vào cầu trượt tại Trung tâm Chăm sóc trẻ em ở Alum Rock, San Jose.
Sau tai nạn trên, Sở Dịch vụ Xã hội bang California, nơi cấp phép hoạt động cho hơn 53.000 trung tâm chăm sóc trẻ em, đã kêu gọi phụ huynh vứt bỏ dây rút trên áo nỉ, áo khoác của con. Trước đó năm 1996, Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ đã cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn từ trang phục có dây.
Tại nhiều bang của Mỹ, việc sử dụng dây trang trí hoặc dây buộc trên quần áo trẻ em bị hạn chế vì những mối nguy hiểm cho người mặc nếu dây bị vướng tại sân chơi, cửa xe bus hoặc cũi. Nhiều nhà may tự nguyện ngừng sản xuất trang phục này. Tuy nhiên, quần áo có dây rút vẫn thường xuyên được bày bán trong các cửa hàng dành cho trẻ em, đa số là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và nước ngoài.
Ngoài trang phục có dây, trường mẫu giáo, trung tâm chăm sóc trẻ em tại Mỹ còn hạn chế quần áo đính hạt. Trang phục này có thể gây khó chịu cho trẻ hoặc gây nguy hiểm cho sức khỏe nếu trẻ nuốt phải. Trẻ được khuyến khích mặc quần áo vừa vặn, không nên quá dài, quá rộng hoặc quá bó.
Giày cũng phải thiết kế ôm trọn lấy chân, dễ cởi. Các nhà trường không khuyến khích trẻ đi giày hở mũi, hở gót hoặc dép xỏ ngón vì có thể làm trẻ bị thương khi chạy nhảy.
Ngoài ra, vì trẻ thường xuyên chạy nhảy, vui chơi nên phụ kiện như găng tay, mũ, tất có thể bị thất lạc. Giáo viên thường nhắc phụ huynh ghi tên của các bé lên trang phục để không bị mất đồ.

Nguy hiểm từ quần áo thắt dây và những lựa chọn thay thế. Ảnh: Mercury News
Australia
Trường mẫu giáo, cơ sở chăm sóc trẻ em tại Australia luôn ưu tiên quần áo thoải mái, phù hợp với việc chơi đùa, chạy nhảy. Trẻ em nên đi giày vừa chân, giày có khóa dán (còn gọi là Velcro), có độ bám khi leo trèo. Những sản phẩm như dép xỏ ngón, sục, giày da đanh không được khuyến khích.
Hầu hết quần và váy trẻ dùng là loại cạp co giãn vì giáo viên muốn các em học cách tự thay đồ. Trẻ không nên sử dụng quần yếm, quần có khóa kéo, thắt lưng, quần áo có dây trang trí, dây rút.
Nhiều cơ sở yêu cầu trẻ không mặc những bộ đồ đắt tiền hoặc cần giữ sạch sẽ vì sẽ phải lo lắng đến việc giữ gìn chúng, từ đó giảm phấn khích khi vui chơi hoặc ngại tham gia các hoạt động học tập.
Để trẻ có thể chạy nhảy thoải mái nhất mà không bị thương, nhiều trường gợi ý về việc chọn giày dép. Trong đó, giày dành cho trẻ em phải có tiết diện rộng, không nên ôm sát vào chân, gây áp lực lên các ngón chân. Phần gót giày nên có đệm, ôm khít lấy gót chân để giữ cho việc di chuyển ổn định, không bị nhấc gót. Giày cần có lót đế chống sốc giúp giảm tình trạng đau nhức bàn chân.
Anh
Quy định về trang phục tại Anh tương đồng với Mỹ và Australia. Quốc gia này lưu ý trẻ em nên đeo khuyên tai dạng nụ, không đeo khuyên dài, họa tiết cầu kỳ vì có thể mắc vào đồ vật trong khi vui chơi.
Châu Âu
Các quốc gia thành viên của EU đã yêu cầu hạn chế sản xuất trang phục chứa dây trang trí hoặc dây rút dành cho trẻ em. Nó cũng không được khuyến khích trong các cơ sở chăm sóc, trường mẫu giáo.
Phụ huynh có con từ 7 tuổi trở xuống không nên cho con mặc áo có dây ở vùng cổ áo hoặc mũ trùm đầu. Thay vào đó là các trang phục có nút bấm, khóa dán hoặc khuy. Trẻ 7-14 tuổi hạn chế mặc quần áo có dây dài hơn 7,5 cm. Những sợi dây được trang trí trong mũ trùm đầu hoặc ở cổ áo có thể bị bắn vào mắt, gây tổn thương giác mạc nếu nó có tính co giãn. Vì vậy, những loại dây được chấp nhận thường là dây vải, không co giãn.
Loại dây rút được thiết kế ở cạp quần, áo, ống tay áo, ống chân quần cũng có thể gây thương tích. Vì vậy, các dây này phải được giấu bên trong áo, quần của trẻ hoặc loại bỏ. Quần sử dụng dây rút có thể thay bằng quần cạp chun.
Trước đó ngày 30/11, bé gái 4 tuổi ở huyện Hoài Đức, Hà Nội, phải nhập viện vì dây mũ áo mắc vào ống cầu trượt khi đang chơi ở trường. Tháng 1/2019, bé trai 3 tuổi ở Đô Lương, Nghệ An, tử vong do bị sợi dây rút ở cổ áo vướng vào ván cầu trượt gây ngạt thở.
Hồng Khánh (Theo Europa, Starting Blocks, Mercury News)