Với quy định tại khoản 1 điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021), người sử dụng lao động có thể thưởng bằng hiện vật, sản phẩm từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình như: gạo, xe máy, điện thoại, gạch...
Việc thưởng căn cứ kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Do đó, thưởng không phải là khoản bắt buộc người sử dụng lao động phải chi trả cho người lao động. Việc thưởng được thực hiện dựa vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động và do người sử dụng lao động quyết định.
Theo khoản 2 điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019, quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Quy định này sẽ giúp người lao động biết được điều kiện để mình được thưởng, từ đó tăng động lực làm việc. Trường hợp, người lao động hoàn thành công việc như điều kiện thưởng tại quy chế thưởng, người sử dụng lao động buộc phải thưởng theo quy định.
Thực tế, một số người sử dụng lao động công khai quy chế thưởng tết Âm lịch từ đầu năm để người lao động có động lực làm việc tốt. Tuy nhiên, trong giữa năm, người sử dụng lao động nhận thấy với tình hình thực tế, người lao động sẽ dễ dàng đạt được chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm nên tăng tiêu chí để khó đạt thưởng hơn. Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn thể hiện sự thiếu tử tế, thất hứa của người sử dụng lao động.
Trong trường hợp này, người lao động tự mình hoặc thông qua tổ chức đại diện người lao động ý kiến với người sử dụng lao động để họ thực hiện đúng lời hứa từ đầu năm.
Lưu ý, trường hợp người sử dụng lao động sửa đổi tiêu chí để người lao động được thưởng theo hướng hạ chỉ tiêu để được thưởng (người lao động dễ được thưởng hơn) hoặc tăng số tiền thưởng cho người lao động sẽ được Nhà nước khuyến khích, pháp luật bảo vệ.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM