Ngày 21/1, tại Davos, Thuỵ Sĩ, hơn 30 đại diện tập đoàn thế giới cùng các lãnh đạo cấp cao Việt Nam tham dự toạ đàm về đầu tư phát triển công nghệ cao ở Việt Nam. Toạ đàm diễn ra nhân dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Diễn đàn thường niên Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 55.
Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam là một trong những chủ đề được các doanh nghiệp thảo luận nhiều.
Theo kế hoạch của Chính phủ Việt Nam, trung tâm tài chính tại TP HCM và Đà Nẵng sẽ được thành lập, vận hành trong 2025. Việc xây dựng các trung tâm này nhằm phát triển Việt Nam thành điểm đến tài chính quan trọng trong khu vực, thế giới.
Ông Roger Leitner, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Phòng Thương mại ASEAN – Thụy Sĩ, cho rằng Việt Nam có thể phát triển trung tâm tài chính qua mở cửa cho các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới phát triển tài sản số và hợp tác cùng các ngân hàng tư nhân ở địa phương.
"Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành trung tâm tài chính quốc tế tương tự Thụy Sĩ, Singapore và UAE", ông Leitner đánh giá.
Ở khía cạnh này, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ Việt Nam mong muốn phát triển trung tâm tài chính quốc tế phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng cạnh tranh hơn với các nước.
"Chúng tôi sẽ cung cấp điều các bạn cần, chứ không phải cái Việt Nam có", ông Dũng chia sẻ, thêm rằng Việt Nam cần sự tham gia đóng góp về chính sách, chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp nước ngoài.
Thực tế, khi xây dựng khung chính sách cho trung tâm tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đề xuất thử nghiệm có kiểm soát hoạt động fintech, gồm sàn giao dịch tiền số, tài sản số tại các trung tâm tài chính như Đà Nẵng, TP HCM.
Ngoài phát triển các dịch vụ tài chính tầm khu vực, quốc tế, khoa học công nghệ được xác định là động lực quan trọng giúp Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai chữ số những năm tới. Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết mục tiêu này sẽ được Việt Nam hiện thực hóa qua các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số, bán dẫn và giáo dục.
"Đây là mong muốn, cũng như yêu cầu của cả hệ thống chính trị", ông Bình nói, thêm rằng các doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước như Viettel, VNPT cũng phải cam kết có thể làm được những gì cho Việt Nam trong thời gian tới.
Cùng với đó, theo Chủ tịch FPT, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Minh chứng cho điều này là việc mới đây Nvidia chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư như quê hương, ngôi nhà thứ hai.
Theo kế hoạch, sau khi mua VinBrain (công ty trí tuệ nhân tạo của Vingroup) hồi đầu tháng 12/2024, Nvidia dự kiến lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo (Vietnam Research and Development Center - VRDC) và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam. Hai cơ sở này được kỳ vọng là nền tảng giúp hãng chip cùng các đối tác trong nước triển khai AI tiên tiến.
Tại tọa đàm, lãnh đạo Schneider Electric cũng cho biết muốn hợp tác cùng Nvidia để phát triển trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.
Giới đầu tư chung nhận định đây là thời điểm lý tưởng để Việt Nam xây dựng tương lai của trí tuệ nhân tạo, khi sở hữu 1 triệu kỹ sư công nghệ thông tin, triển khai chương trình đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn và hệ thống giáo dục tốt trong lĩnh vực này.
Về hạ tầng, ông Kim Fejer, Giám đốc điều hành A.P Moller Capital, đề xuất Việt Nam tăng tỷ lệ giới hạn đầu tư trong hai lĩnh vực hạ tầng quan trọng là sân bay và cảng biển.
"Việt Nam có vị thế 'độc nhất, vô nhị' để trở thành quốc gia phát triển trong khu vực. Chính phủ nên tăng kết nối, mở cửa kho dữ liệu AI để phát triển mạnh mẽ hơn nữa", Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương Google Sanjay Gupta chia sẻ.
Ông Kim Fejer, Giám đốc điều hành A.P Moller Capital cho biết tập đoàn này đang tìm cơ hội đầu tư, đối tác tại các dự án hạ tầng, giao thông, logistics ở Việt Nam. A.P Moller Capital là công ty con của Tập đoàn A.P Moller sở hữu danh mục đầu tư 2 tỷ USD, trong đó có hãng vận tải biển hàng đầu thế giới Maersk.
Tuy nhiên, ông Fejer đề nghị Việt Nam nâng giới hạn sở hữu vốn nước ngoài trong các lĩnh vực hạ tầng quan trọng như sân bay, cảng biển. Hiện "room" sở hữu với nhà đầu tư ngoại tại sân bay và cảng biển lần lượt là 30% và 49%.
"Chúng tôi mong muốn có nhiều lĩnh vực kinh doanh, ảnh hưởng hơn tại Việt Nam nên rất mong Chính phủ có thể xem xét nới lỏng tỷ lệ sở hữu này", ông Kim Fejer nói.
Đồng tình, lãnh đạo Schneider Electric - tập đoàn đa quốc gia của Pháp trong lĩnh vực tự động hóa, hạ tầng thông minh - cho rằng Việt Nam cần có đột phá hơn trong phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, sân bay và cảng biển. Việc tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp phần giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu này.
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói sẽ "nghiêm túc ghi nhận và sẽ nghiên cứu đề xuất tăng tỷ lệ vốn ngoại vào lĩnh vực sân bay, cảng biển" của các nhà đầu tư. Bởi theo ông việc này nhằm thu hút thêm nguồn lực đầu tư vào hạ tầng trong tương lai.
Bộ trưởng Dũng nói thêm Việt Nam nỗ lực cải cách môi trường, thủ tục đầu tư để trở thành điểm đến an toàn và cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
Ông dẫn chứng, với thủ tục đầu tư các ngành công nghệ cao tại khu công nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần đăng ký là thực hiện được ngay. Điều này khác trước, khi họ phải mất 2-3 năm chờ đợi phê duyệt đầu tư, thẩm định thủ tục đánh giá tác động môi trường (ĐTM), phòng cháy chữa cháy... "Tiêu chuẩn, quy chuẩn làm thủ tục có sẵn, cơ quan quản lý chỉ hậu kiểm", ông nêu.
Anh Tú