Số tiền này là căn cứ trên giá đất các đơn vị tư vấn đề xuất hồi năm 2016-2017 (chưa có giá hiện tại), trên tổng quỹ đất còn lại của Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm (55 lô, diện tích hơn 793.000 m2). Thông tin này vừa được Ban Quản lý đầu tư - xây dựng KĐTM Thủ Thiêm báo cáo với UBND TP HCM.
Quỹ đất dự kiến được chia thành 3 nhóm để đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Nhóm một là 16 lô với tổng diện tích 158.000 m2, đã giải phóng mặt bằng và đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật, có thể đấu giá trong quý 4 năm nay. Nhóm hai là 16 lô đất (269.100 m2) đã giải tỏa xong nhưng chưa xây dựng hạ tầng kỹ thuật, dự kiến đấu giá vào năm sau. Nhóm cuối là 23 lô đất chưa giải phóng xong mặt bằng, rộng hơn 365.200 m2...
Trong đó, 6 lô đất thuộc Khu chức năng 2a (Dòng mến Thánh giá và Nhà thờ Thủ Thiêm) tạm thời chưa đưa vào kế hoạch khai thác, nhưng trước đây được cho có giá hơn 2.438 tỷ đồng.
Ngoài ra, quỹ nhà tái định cư còn 3.790 căn hộ không có nhu cầu sử dụng nếu bán đấu giá có thể thu về hơn 9.900 tỷ đồng.
Theo Ban Quản lý đầu tư - xây dựng KĐTM Thủ Thiêm, tính đến cuối tháng 9/2018, tổng số nguồn thu khai thác quỹ nhà, nền đất ở khu đô thị đã nộp vào ngân sách thành phố hơn 14.250 tỷ đồng. Sau đó, UBND thành phố đã cấp lại cho Ban gần 6.500 tỷ, số tiền còn lại đang nằm trong ngân sách.
Với tiến độ đấu giá đất theo kế hoạch thành phố đã đề ra, dự kiến trong năm nay sẽ thu về hơn 14.725 tỷ đồng. Trong đó gần 4.790 tỷ từ đấu giá 16 lô đất đã hoàn tất giải phóng mặt bằng và hơn 9.930 tỷ đồng từ việc đấu giá 3.790 căn hộ.
KĐTM Thủ Thiêm được triển khai quy hoạch từ năm 1996, rộng 930 ha, nằm bên bờ Đông sông Sài Gòn, cách trung tâm quận 1 chừng 300 m đường chim bay. Đây là trung tâm hiện đại và mở rộng của TP HCM, được kỳ vọng đẹp nhất Đông Nam Á.
TP HCM khẳng định thực hiện dự án KĐTM Thủ Thiêm không nhằm kinh doanh bất động sản. Phần lớn diện tích được ưu tiên xây dựng các công trình công cộng, dịch vụ mà trung tâm thành phố hiện hữu còn thiếu như: Quảng trường trung tâm, công viên bờ sông; Trung tâm Tài chính; Trung tâm Hội nghị triển lãm quốc tế; Cung Thiếu nhi, Lâm viên sinh thái...
Hiện vẫn còn hơn 100 hộ dân khiếu nại từ thành phố đến Trung ương cả chục năm qua vì cho rằng TP HCM thu hồi đất của họ trái quy định.
Thanh tra Chính phủ hai lần công bố hàng loạt sai phạm của UBND TP HCM và các bộ, ngành liên quan như: thu hồi sai 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch; giao đất trong khu vực được quy hoạch tái định cư cho 51 doanh nghiệp làm dự án...
Thanh tra Chính phủ yêu cầu TP HCM thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng do tạm ứng sai quy định, duyệt tổng mức đầu tư các dự án hạ tầng BT không đúng; tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án lựa chọn nhà đầu tư với các lô đất còn lại để tránh thất thoát ngân sách và chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện các dự án.
Trung Sơn