Ngày 17/4, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn và Vụ Pháp chế tổ chức Hội nghị tổng kết 2 năm thực hiện "Quy chế tổ chức thi hoa hậu" với sự tham gia của cơ quan quản lý và nhiều đơn vị tổ chức.
2 năm qua, hoạt động thi sắc đẹp tại Việt Nam bị coi là loạn, nhưng nhiều ý kiến tham gia hội nghị cho rằng, loạn không phải vì "nhiều" mà bởi quy định về danh xưng hoa hậu. NSND Lê Ngọc Cường, Cục trưởng Nghệ thuật biểu diễn, cho rằng: "20 năm (kể từ 1988) với 40 cuộc thi hoa hậu là một số lượng không nhỏ nhưng cũng không phải đã quá 'bội thực' so với nhu cầu".
![]() |
Hoa hậu Mai Phương Thúy (giữa) và hai Á hậu tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2006. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Nhưng quy chế hiện hành thống nhất dùng danh hiệu hoa hậu cho mọi cuộc thi sắc đẹp lớn nhỏ, từ địa phương đến trung ương. Điều đó khiến công chúng có cảm giác phong trào thi hoa hậu được phổ cập đến tận cấp phường, cấp trường đại học. Chính vì thế, nhiều tham luận đề nghị hãy trả lại tên cũ cho các cuộc thi như Nữ hoàng Trang sức, Người đẹp Tây Đô, Hoa khôi đồng bằng Sông Cửu Long... Hoa hậu chỉ nên dùng cho các đấu trường có tầm vóc quốc gia. Theo ông Dương Xuân Nam, Tổng biên tập báo Tiền Phong, cách làm này cũng sẽ hạn chế sự tổn hại đến danh hiệu hoa hậu nếu có những chuyện không hay xảy ra với người đẹp đăng quang trong các cuộc thi quy mô nhỏ.
Theo quy chế ban hành năm 2006, bất cứ đơn vị nào có tư cách pháp nhân, có chức năng tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật đều có thể được cấp phép tổ chức thi hoa hậu. Sự thông thoáng này đã khiến các đấu trường sắc đẹp mọc lên như nấm, kiểu mạnh ai nấy làm. Nhưng trong khi thừa những cuộc thi làng nhàng, Việt Nam vẫn thiếu những cuộc thi lớn. Đến nay, Hoa hậu Việt Nam do báo Tiền Phong tổ chức vẫn được coi là thương hiệu uy tín nhất. Nhưng cuộc thi này hai năm mới được tổ chức một lần, do đó, dù háo hức đón chào 5-7 cô hoa hậu mỗi năm, Việt Nam vẫn lúng túng khi phải chọn thí sinh dự thi những đấu trường quốc tế lớn như Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Trái đất, Hoa hậu Quốc tế, Nữ hoàng Du lịch Quốc tế…
![]() |
Hoa hậu Trang sức - cuộc thi tai tiếng nhất năm 2007. Ảnh: Hoàng Hà. |
Thi hoa hậu là hoạt động văn hóa tôn vinh người phụ nữ, nhưng từ thực tế các cuộc thi gần đây, nhiều người lo ngại, loại hoạt động này đang ngày càng mang màu sắc thương mại, biểu hiện rõ nét trong sự phô diễn quá lố của các nhà tài trợ, các scandal mua danh, bán giải. Hoa hậu là một cuộc chơi "xa xỉ" (Hoa hậu Việt Nam 2006 tiêu tốn trên 7 tỷ đồng, Hoa hậu Thế giới người Việt 2007 - 9 tỷ đồng), đòi hỏi nhà tổ chức phải có tiềm lực kinh tế rất lớn. Nhưng quy chế về điều kiện đối với đơn vị tổ chức chỉ yêu cầu tư cách pháp nhân mà không xem xét đến yếu tố tài chính. Thế nên sau khi được cấp phép, nhà đăng cai sẽ phải bấu víu lấy nhà tài trợ. Giá trị thương mại của cuộc thi sẽ lấn át giá trị văn hóa nếu nhà tài trợ chỉ quan tâm đến việc quảng bá thương hiệu của mình. NSƯT Nguyễn Thị Hòa Bình, Hiệu trưởng Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội, kiến nghị: “Ngoài điều kiện về năng lực của đơn vị tổ chức mang tính pháp lý, cần có thêm quy định về năng lực kinh tế, cơ sở vật chất…”.
Hạn chế lớn nhất của quy chế được nhiều ý kiến nêu ra là sự thiếu vắng các chế tài cụ thể trong việc xử lý vi phạm. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến các nhà chức trách lúng túng trước một loạt sự cố xảy ra tại cuộc thi Hoa hậu Trang sức: Thí sinh đoạt giải Mặc áo dài đẹp nhất không có hồ sơ dự thi, thành viên ban tổ chức bị tố cáo "gạ tiền", trưởng ban tổ chức bị tố cáo "gạ tình", hoa hậu phải "nhờ" báo chí "hỏi giùm" mới nhận được giải thưởng… Sau tất cả những sai phạm đó, đơn vị tổ chức - Trung ương Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý VN - chỉ việc rút kinh nghiệm vì chế tài xử phạt chưa đủ chặt chẽ.
Qua hơn hai lần sửa đổi, quy chế hiện hành cũng thiếu quy định cơ bản về thí sinh dự thi hoa hậu như: phải là người chưa có chồng, chưa sinh con… hoặc chỉ cấm thí sinh có tiền án mà không đề cập đến các thí sinh có tiền sự… Tại hội nghị, đại diện Thanh tra Bộ văn hóa Thể thao Du lịch cũng đã kiến nghị: "Quy chế chỉ điều chỉnh hoạt động tổ chức để bầu chọn ra được danh hiệu, còn việc quản lý và phát huy người mang danh hiệu đó sau cuộc thi, quy trình tước danh hiệu khi thí sinh đạt giải có vi phạm chưa được quy định rõ ràng, dẫn đến gặp khó khăn trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc đưa ra các chế tài xử lý (vì sau mỗi cuộc thi, Ban tổ chức, Ban giám khảo tự giải thể)".
Trước thực trạng này, ông Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, khẳng định: “Chúng tôi sẽ thu thập các ý kiến, tiến hành điều chỉnh quy chế để phục vụ tốt nhất công tác tổ chức thi hoa hậu trong thời gian tới”.
Quy chế tổ chức thi Hoa hậu ban hành ngày 24/3/2006: Điều 4. Điều kiện đối với đơn vị tổ chức, thí sinh dự thi 1. Đơn vị tổ chức thi hoa hậu: 1.1. Có tư cách pháp nhân; 2. Thí sinh dự thi hoa hậu: 2.1. Là nữ công dân Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên; Điều 16. Xử lý vi phạm 1. Đối với đơn vị tổ chức và thí sinh dự thi 1.1. Đơn vị tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, vi phạm về đạo đức, nhân phẩm đối với thí sinh hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác, tùy tính chất, mức độ sẽ phải bồi thường thiệt hại, bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành... 1.2. Thí sinh đạt danh hiệu tại các cuộc thi Hoa hậu, nếu có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức gây ảnh hưởng xấu đến xã hội sẽ bị ban tổ chức cuộc thi ra quyết định tước danh hiệu. |
Lưu Hà