Chia sẻ tại cuộc họp đại hội cổ đông thường niên 2019 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, ông Bùi Ngọc Bảo - cựu Chủ tịch Petrolimex và hiện là Phó chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu bày tỏ quan ngại về cách trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu vừa qua.
"Quỹ bình ổn xăng dầu đang bị lạm chi", ông Bảo nói và cho rằng, đây là "nét mới trong các năm qua, chưa bao giờ có".
Phó chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam phân tích, khi quỹ bình ổn xăng dầu tại doanh nghiệp âm, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ phải vay ngân hàng để bù lại. Chẳng hạn với Petrolimex, quý I/2019 doanh nghiệp báo lãi 1.500 tỷ đồng, trong đó tính cả phần 500 tỷ đồng đã trích cho Quỹ bình ổn xăng dầu Petrolimex từ ngày 31/12/2018. Vì thế lợi nhuận thực còn khoảng 1.000 tỷ đồng.
Ước tính với số âm Quỹ bình ổn hiện ở mức 380-400 tỷ đồng, nếu nhà điều hành tiếp tục quyết định xả Quỹ bình ổn, sẽ gây bội chi quỹ này. "Đây là rủi ro cực lớn cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp đi vay ngân hàng bù lại, nhưng nếu không có khoản hoàn trả thì ngân hàng có thể dừng cho vay", ông nói và đề nghị các doanh nghiệp, trong đó có Petrolimex, cần kiến nghị kịp thời với cơ quan quản lý Nhà nước về xăng dầu.
"Chúng ta sử dụng Quỹ bình ổn song phải làm sao bảo đảm duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Chính sách sử dụng, trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng cần xem xét lại", ông Bảo nói thêm.
Một doanh nghiệp đầu mối phía Nam cho biết, doanh nghiệp liên tục phải nhập, mua xăng dầu giá cao, nhưng từ đầu năm cơ quan quản lý liên tục xả Quỹ để giữ giá bán hoặc tránh giá tăng cao, khiến số dư quỹ giảm. "Điều này rõ ràng ảnh hưởng xấu tới tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp", vị này nói.
Thực tế, Quỹ bình ổn xăng dầu đã được nhà điều hành xả mạnh từ quý IV/2018 và những tháng đầu năm 2019. Tại kỳ điều hành giá xăng dầu gần nhất 17/4, liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục xả Quỹ bình ổn 1.456 đồng với mỗi lít xăng E5 RON 92; 743 đồng với RON 95.
Trước đó kỳ điều hành ngày 2/4, mức xả Quỹ bình ổn với xăng E5 RON92 là 2.042 đồng một lít, xăng RON 95 là 1.304 đồng. Để giữ giá tại kỳ điều hành ngày 18/3, nhà điều hành phải chi mạnh Quỹ bình ổn xăng dầu, 2.801 đồng một lít với E5 RON 92 và RON 95 bù 2.061 đồng.
Còn ngày 2/3, mức trích Quỹ bình ổn với mỗi lít xăng E5 RON 92 là 2.000 đồng và 1.250 đồng với RON 95... Còn thống kê năm 2018, nhà điều hành đã xả 1.600 tỷ đồng từ Quỹ bình ổn để bù biến động giá xăng dầu.
Việc liên tục trích Quỹ bình ổn ở mức cao khiến các doanh nghiệp càng bán càng lỗ, giảm lợi nhuận. Chẳng hạn, số liệu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), doanh nghiệp âm khoảng 240 tỷ đồng trước thời điểm điều chỉnh giá xăng ngày 17/4 và hiện ước tính dao động âm 380 - 400 tỷ đồng. Tương tự, PVOil ghi nhận đã âm hơn 622 tỷ đồng ở thời điểm 17/4.
Để bù số này, đã có những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải vay ngân hàng và chịu lãi suất từ 8-10% để xử lý vấn đề này. Thực tế này dẫn tới việc doanh nghiệp tìm cách né để không phải "tự cắt thịt mình" khi duy trì bán hàng. Hiện tượng một số cây xăng ở Hà Nội treo biển "hết hàng để bán" trong những ngày đầu tháng 4 là một ví dụ về hệ luỵ này.
Chia sẻ với VnExpress, ông Ngô Trí Long - chuyên gia về giá cho rằng, khi doanh nghiệp ứng tiền để bù Quỹ bình ổn thì Nhà nước cần có chính sách để họ không bị thiệt, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. "Thường khi quỹ âm, doanh nghiệp sẽ phải đi vay hoặc dùng nguồn dự phòng để bù đắp, trong khi việc thu hồi để cân bằng lại quỹ này khó một sớm một chiều", ông bình luận.
Ở góc độ cơ quan điều hành, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, năm 2018 tình hình chính trị thế giới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nhiều tới kinh doanh xăng dầu. Ông đơn cử, quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Iran được đưa ra vài ngày trước đã lập tức tác động, đẩy giá dầu thô thế giới lên mức đỉnh 6 năm qua.
Với riêng điều hành xăng dầu của Việt Nam, Thứ trưởng Công Thương nhấn mạnh, phải hài hoà lợi ích 3 bên Nhà nước – doanh. Nghiệp – người dân. "Người dân không biết thế nào, nhưng thấy giá tăng thì không muốn rồi", ông Hải nói và cho hay, sau hơn 10 năm điều hành xăng dầu Bộ Công thương thấy đây là biện phápkinh tế hữu hiệu, giúp không phải dùng ngân sách để can thiệp giá xăng dầu.
Nguyễn Hoài