Theo Bộ Tài chính, quý cuối năm ngoái, cơ quan quản lý sử dụng hơn 79,2 tỷ từ quỹ bình ổn và trích quỹ 2.155 tỷ đồng. Lãi phát sinh trên số dư quỹ trong quý IV/2022 là khoảng 2 tỷ, lãi vay phát sinh trên số dư quỹ âm hơn 1,4 tỷ đồng.
Như vậy, tính đến hết 31/12, số dư trên quỹ bình ổn giá xăng dầu là khoảng hơn 4.617 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ so với quý liền trước đó. Đây cũng là mức cao nhất của quỹ từ đầu năm 2021 đến nay.
Trong 31 thương nhân đầu mối phân phối xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp có số dư quỹ cao nhất với 1.986 tỷ đồng, chiếm 43% tổng quỹ. Ngoài Petrolimex, một số thương nhân đầu mối có số dư quỹ cao là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (hơn 561 tỷ); Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức (409 tỷ); Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Tháp (371 tỷ), Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (294 tỷ đồng).
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Tài chính cũng ghi nhận 7 đơn vị đang âm quỹ bình ổn. Trong đó, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) âm nhiều nhất với hơn 510 tỷ đồng. Các thương nhân đầu mối khác như Petro Bình Minh, Long Hưng, Trường An, Hải Linh, Tổng công ty thương mại Sài Gòn âm từ hơn mười tỷ đến âm 60 tỷ đồng.
Việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện đồng thời với kỳ điều hành giá cơ sở. Đây là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước.
Nguồn hình thành quỹ bình ổn này được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả (300 đồng một lít) nhưng được quản lý tại doanh nghiệp và việc sử dụng quỹ do nhà điều hành (liên bộ Công Thương) quyết định.
Bộ Công Thương và Tài chính đều cho rằng cần duy trì quỹ này vì đây là công cụ điều hành, giúp bình ổn giá. Tuy nhiên, việc điều hành quỹ này trong năm ngoái khi thị trường biến động theo đánh giá của một số chuyên gia là chưa phát huy hiệu quả. Đến tháng trước, Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn kiến nghị bỏ quỹ vì cho rằng điều hành chưa đạt được mục tiêu giúp giảm biên độ biến động giá xăng dầu trong nước.
Anh Tú