
Cùng từ "lò" bóng đá Nghệ ra, không nổi bằng Công Vinh, Văn Quyến nhưng cái tên Lê Quốc Vượng cũng được xem là tài năng của bóng đá Việt. Năm 2002, trong màu áo HAGL, Quốc Vượng từng được xem là "truyền nhân" của tiền vệ phòng ngự Võ Hoàng Bửu nức tiếng một thời. Cũng chỉ một năm sau đó ở SEA Games 23, Vượng được xem là tiền vệ hàng đầu Đông Nam Á. "Vượng giỏi điều bóng, sút xa tốt, tranh chấp thì mạnh mẽ vô cùng. Cậu ấy là mẫu tiền vệ rất hiếm gặp", HLV Nguyễn Hữu Thắng của Sông Lam nhận xét về đàn em.
Thế rồi, cũng như Văn Quyến, công danh đến quá sớm, những lời tung hô có phần quá mức, đã làm mờ mắt những người trẻ. SEA Games 2005, Quốc Vượng cùng Văn Quyến là đầu trò trong vụ bán độ của U23 Việt Nam. Ra tù, cũng như Văn Quyến, Quốc Vượng không bị lãng quên. Anh đến với Thể Công và được đội nãy đãi ngộ tiền tỷ. Có cơ hội trở lại với nghề nhưng Vượng không thể tận dụng bởi đôi chân anh không còn mạnh mẽ vì chấn thương. Bị xem là thất bại ở Thể Công, Quốc Vượng về Xuân Thành Hà Tĩnh cũng với bản hợp đồng giá tiền tỷ. Tưởng như đã có thể tìm lại giấc mơ chơi bóng, Vượng một lần nữa thất bại, vì chấn thương và vì cả những chuyện mà anh gọi là lãng xẹt đời thường.
Rời Xuân Thành Hà Tĩnh, Vượng đã có lúc xách giày đi đá phủi giết thời gian và tưởng như không thể chơi bóng chuyên nghiệp được nữa. "Vượng nó yêu nghề. Khó nó cũng không bỏ đâu", nhận xét đó của người thày cũ Nguyễn Thành Vinh rốt lại đã thành hiện thực. Quốc Vượng được Thanh Hóa mời về... Chấn thương tiếp tục hành hạ, Vượng hiếm có cơ hội ra sân. Vết đau hành hạ, cơ hội thi đấu không còn, Vượng rời Thanh về lại Vinh "ăn bám bố mẹ". Tập bóng từ nhỏ, ngoài đôi giày, bộ quần áo đấu, Vượng không có cơ hội tiếp cận những công việc khác. Các vết đau dần lành, Vượng lại mon men tới sân Vinh xin tập nhờ. Tập tốt, những bước chạy đã mạnh mẽ lên, mong muốn xỏ giày ra sân vào mỗi cuối tuần lại nhen nhóm.
Ác nghiệt cho Quốc Vượng ở chỗ, đúng khi anh mong muốn trở lại nhất thì hàng loạt rắc rối xảy ra. Đầu tiên là những tranh cãi pháp lý với bầu Đệ. Thương thảo mãi không thành, bầu Đệ chốt giá, để tự do đá cho đội khác, Quốc Vượng phải trả đủ 400 triệu đồng. Hàng năm trời thất nghiệp, Vượng không thể lo đủ số tiền này. Ngay cả khi được Thanh Hóa đồng ý cho đi, kiếm việc mới với Quốc Vượng giờ là rất khó. Sông Lam là đội duy nhất mà Vượng có thể kiếm chốn dung thân lúc này. Thế nhưng, Sông Lam đang than khó. Họ chưa đào đâu ra cho đủ tiền để giữ chân Trọng Hoàng, Văn Bình, Văn Hoàn - những người trẻ hơn, giỏi giang, có ích cho Sông Lam nhiều hơn hẳn Vượng. Khi bi đát nhất, đã có tin rằng, các đồng đội ở Sông Lam sẽ góp cho đủ số tiền 400 triệu đồng để Quốc Vượng để anh có thể tự do rời xứ Thanh. "Tình cảm anh em là có thật. Nhưng giờ ai cũng khó, không có chuyện đó đâu. Tôi cố gập cho tốt, đá được thì sẽ có cơ hội. Hy vọng Thanh Hóa sẽ tạo điều kiện và tôi sẽ tìm được chỗ đứng ở Sông Lam Nghệ An. Tôi đã có quá nhiều sai lầm. Giờ có gia đình rồi, tôi càng muốn làm lại để có thể nuôi gia đình và chuộc lại phần nào nỗi lầm mình đã gây ra", Vượng nói.
Cũng dính chàm như Văn Quyến, nhưng ở Sông Lam, Quốc Vượng bây giờ nhận được nhiều tình cảm hơn. "Cậu ấy không ỷ lại vào tài năng quá khứ như Văn Quyến. Không ai có thể dựa vào quá khứ cả. Muốn được nhận, phải chứng minh mình có ích. Quốc Vượng tự tập khá chăm. Nếu chứng tỏ được khả năng, Vượng có thể được Sông Lam ký hợp đồng", một lãnh đạo của Sông Lam Nghệ An cho biết.
Ngọc Khánh