"Nhằm khôi phục hòa bình, trật tự và vì mục đích thống nhất đất nước, nhà vua đã bổ nhiệm Tướng Prayuth Chan-ocha là người đứng đầu Hội đồng Trật tự và Hòa bình quốc gia, điều hành đất nước", AFP dẫn sắc lệnh Hoàng gia Thái Lan cho hay.
Người đứng đầu nhà nước quân chủ lập hiến Thái Lan, vua Bhumibol Adulyadej, 86 tuổi, được nhiều người dân Thái tôn trọng. Sự chấp thuận của nhà vua là một bước quan trọng trong quá trình hợp pháp hóa việc quân đội tiếp quản chính quyền.
Ngay sau khi nhận được sự chấp thuận từ nhà vua, tướng Prayuth, 60 tuổi, đã tổ chức cuộc họp báo đầu tiên và đe dọa "tăng cường hành pháp" đối với những người biểu tình phản đối đảo chính ở thủ đô Bangkok.
"Liệu chúng ta có quay về tình trạng như trước kia không? Nếu mọi người muốn vậy, tôi sẽ cần phải sử dụng bạo lực và áp đặt luật pháp nghiêm khắc", Reuters dẫn lời tướng Prayuth nói. "Mọi người phải chấp nhận những biện pháp hà khắc bởi chúng là cần thiết".
Tướng Prayuth không thiết lập thời gian cụ thể về việc quân đội sẽ nắm quyền lực trong bao lâu nhưng ông hy vọng rằng có thể sớm tổ chức bầu cử.
Bài phát biểu của ông Prayuth được dự kiến sẽ tạo ra những phản ứng trái ngược trong một đất nước đã bị phân cực từ gần một thập kỷ nay. Thái Lan bị chia rẽ bởi sự đối đầu giữa phe bảo hoàng mà ông Prayuth là một thành viên và phe ủng hộ cựu thủ tướng dân túy Thaksin Shinawatra.
Quân đội Thái Lan tuyên bố đảo chính và giành quyền lãnh đạo hôm 22/5 nhằm chấm dứt hơn 6 tháng biểu tình phản đối chính phủ của nữ thủ tướng Yingluck Shinawatra. Lực lượng này đã tạm giữ hàng trăm người, bãi bỏ hiến pháp, giải tán thượng viện và hạn chế truyền thông. Bất kỳ ai xúc phạm nền quân chủ hoặc vi phạm quân lệnh sẽ bị xét xử tại tòa án quân đội.
Bất chấp các cảnh báo trên, các nhóm phản đối đảo chính vẫn tụ tập ở Bangkok và các vùng bắc, đông bắc. Hôm qua, khoảng 1.000 người đã tập trung ở Tượng đài Chiến thắng, đối đầu với các binh sĩ chống bạo động. Tuy nhiên đụng độ không xảy ra.
Như Tâm