Phim ngắn có thời lượng 6 phút, không lời thoại là dự án nghệ sĩ Quốc Tuấn thực hiện gần đây, sau khi nhận quyết định nghỉ hưu. Phim đang thu hút sự quan tâm của khán giả trên các kênh mạng xã hội.
- Lý do nào khiến anh nhận lời tham gia dự án này?
Ban đầu khi nhà sản xuất gọi cho tôi báo có một phim ngắn về người cha sẵn sàng bán đi ước mơ để lo cho con cái, tôi cũng ngại, vì tôi không thích đưa chuyện của mình lên. Phải nói thật là khi Bôm phẫu thuật đến lần thứ 8 thì báo chí mới đưa tin. Tại thời điểm Bôm bệnh thì trên cả thế giới, cứ 100.000 đứa trẻ mới có một đứa bị bệnh như thế. Bây giờ tốc độ phát triển bệnh đã gấp đôi, bệnh bị đột biến gen của cuối thai kỳ, nên siêu âm 11 lần đều không phát hiện ra. Tôi chia sẻ để hướng dẫn cho những cha mẹ có bé bị bệnh như thế cách chăm con theo giai đoạn chứ không muốn kể lại chuyện này. Lấy chuyện của mình làm phim thì không phải ý định của tôi.
Tuy nhiên, khi nghe hãng bảo hiểm nhân thọ Generali Vietnam và đạo diễn Chung Chí Công kể lại câu chuyện phim tôi thấy có sự đồng cảm. Nhân vật người cha sẵn sàng đi bán cây đàn, "một nửa linh hồn" của mình để cho con một ngày mai tươi sáng. Một người diễn viên khi vào vai mà không trải qua hoàn cảnh như thế, không thấu hiểu đến từng hơi thở sẽ vất vả hơn. Vì đã trải qua cảm xúc đó, nên tôi nghĩ mình có thể hóa thân vào vai người cha trong câu chuyện này. Yêu thích thông điệp, chuyện phim, trải nghiệm cũng như cảm xúc của mình đối với nhân vật là những yếu tố khiến tôi nhận lời tham gia dự án.
- Anh đồng cảm với nhân vật người bố trong phim này ra sao?
Lúc cu Bôm có vấn đề, tôi không xác định được từ bỏ hẳn hay gác lại công việc diễn xuất, bởi lúc ấy phụ thuộc vào quá trình điều trị của Bôm. Bôm trải qua rất nhiều lần phẫu thuật. Sau mỗi lần phẫu thuật, tôi đã nghĩ ngay đợt tới sẽ làm cái gì. Khoảng cách giữa các lần phẫu thuật ít nhất khoảng 1-2 năm nên tôi không biết là mình sẽ dừng lại bao lâu. Tất nhiên, trong tâm tưởng, tôi không bao giờ nghĩ bỏ hẳn việc, vì bỏ hẳn sẽ làm mình tuyệt vọng hơn. Tôi cứ nghĩ thôi thì tạm như vậy, nhưng sâu trong tiềm thức tôi cũng không biết là kéo dài đến bao giờ. Trong nghệ thuật, diễn viên có thời, tôi không thể nào nghỉ mãi được, nó sẽ mòn đi. Thế là suốt 19 năm làm ở hãng phim truyện Việt Nam, tôi chọn làm những dự án nhỏ, tối đa chỉ 4 - 5 hôm để về nhà để chăm Bôm. Nên khi nghe kịch bản phim từ đạo diễn, biên kịch bộ phim tôi rất đồng cảm. Đối với một đứa con thì người cha sẵn sàng làm tất cả.
- Anh nghĩ gì về thông điệp "luôn hy vọng vào ngày mai tươi sáng" của bộ phim?
Thông điệp rất tích cực và mang tính khích lệ cao. Khi bạn không có niềm tin, không nuôi dưỡng những khát khao, hy vọng, cuộc sống sẽ trở nên buồn tẻ và ảm đạm. Chúng ta không thể biết trước mai sẽ ra sao, cũng không thể chọn một cuộc sống lúc nào cũng êm đềm, không có những gian nan, cản trở, nhưng ta có quyền hy vọng và tin tưởng vào những điều tươi sáng sẽ tới, lấy đó làm động lực, sức mạnh để vượt qua mọi biến cố. Đừng quên chọn cho mình một điểm tựa vững chắc, chuẩn bị chu toàn cho mình ngay hôm nay cùng một tâm thế vững vàng thì dù có khó khăn, giông bão, ngày mai vẫn sẽ đến với nhiều cơ hội mới.
- Anh cảm thấy như thế nào về hiệu ứng của phim khi ra mắt?
Đầu tiên là tôi hạnh phúc, khi sản phẩm nghệ thuật mình làm ra được khán giả đón nhận. Đó là cảm xúc chung của tất cả những người nghệ sĩ. Hạnh phúc nữa là được đồng nghiệp đánh giá tích cực, vì họ mới là những vị khán giả khó tính nhất. Họ đều chúc mừng tôi khi xem phim này vì lâu lắm rồi tôi mới đóng phim.
- Trong phim anh ấn tượng nhất với khoảnh khắc nào?
Rất khó để chọn ra một khoảnh khắc vì đây là phim ngắn nên tất cả các khung hình đều đắt giá, cô đọng. Có thể kể đến cảnh người cha nhìn con mình trong bệnh viện mà không làm được gì, cảnh con gái chuẩn bị cho người cha một đêm nhạc, cảnh người cha bán cây đàn đi, xin tiền từng người, hay chi tiết hai bố con dắt tay nhau dưới gốc cây bàng, chuẩn bị hồ sơ bảo hiểm. Nếu nói về một tình tiết không xúc động duy nhất của phim thì chắc là tình tiết bắt cướp thôi (cười).
- Điều gì của dự án phim khiến anh trăn trở cho đến tận lúc này?
Tôi có một người bạn, một lần anh ấy về thấy con nằm sấp trên giường không động đậy, tự nhiên trào lên cảm giác lo lắng, và chợt nghĩ không biết sau này khi không còn cha mẹ cạnh bên, thì nó sẽ sống ra sao. Dù con cái như thế nào thì cha mẹ luôn canh cánh nỗi lo cho con mình.
Tôi cũng vậy, lo nhất là đến lúc mình già rồi về với ông bà thì con mình tự lập như thế nào. Thực ra cuối cùng, của để dành của cuộc đời người là con cái. Tiền bạc, danh vọng địa vị chẳng mang theo được, điều gì cuối cùng dành lại cho con?
Vì thế, tôi chắc chắn rằng phim ngắn sẽ lay động được cảm xúc của người xem. Những người trẻ sẽ có một ngày tự nhiên sững lại nhìn bố mình hay mẹ mình, giật mình lâu quá không quan sát bố mẹ, chợt thấy bố mẹ mình già mất rồi. Hay một người cha bận rộn làm tất cả vì con, mang tất cả tiền bạc đáp ứng mọi nhu cầu của con, rồi đến lúc sững lại không biết mình để lại cho con cái gì, con có sống tốt không, có tự lập được không, có phải là người tử tế hay không. Qua bộ phim này, chúng ta cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc chuẩn bị từ hôm nay cho bản thân mình và cả cho con cái, để con có một điểm tựa vững chắc, dù sau này không còn mình bên cạnh, con vẫn có thể có một tương lai hạnh phúc, một ngày mai tươi sáng.
Kim Anh