Diễn viên nói về quá trình đồng hành con trai mắc bệnh Apert (hội chứng xương cứng sớm cục bộ), dịp con tốt nghiệp hệ trung cấp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
- Cảm xúc của anh khi thấy thành quả của con sau bảy năm học?
- Sau khi biết kết quả thi, cả nhà mở liên hoan cùng bạn bè của gia đình. Bôm còn đòi đi shopping nên bố trêu là "hết tiền rồi", nhưng thi tốt nên vẫn thưởng cho mua áo. Buổi tối, hai bố con nghe nhạc, tâm sự đến 1h. Tôi hạnh phúc, tự hào, thở phào vì con hoàn thành bảy năm học. Lúc còn nhỏ, Bôm có cây đàn đồ chơi điện tử, tự mày mò đánh lại theo bản nhạc. Tôi thấy con có năng khiếu, đam mê nên cho theo học. Gần hết cấp hai, con ôn thi chín tháng thì đỗ vào trung cấp nhạc viện, khi tay chỉ vừa phẫu thuật tách các ngón. Có năm con học tốt nhưng cũng có năm trồi sụt. Nhất là những giai đoạn phải nằm viện, thuốc thang ảnh hưởng sức khỏe, tâm trạng.
Nhiều lúc, tôi không nghĩ Bôm sẽ theo được đến cùng. Lớp con ban đầu có hơn mười bạn, một số bạn bị đúp lại, có bạn lại xuất sắc vượt cấp, đến ngày thi tốt nghiệp còn bảy người. Bôm đạt 9,3 điểm thi, nằm ở mức giữa. Tôi nói con vẫn còn kém vài bạn, không được chủ quan.
- Những năm ở bên con, giai đoạn nào là khó khăn với anh nhất?
- Thời điểm nào cũng có cái khó riêng. Trước kia, Bôm phải làm phẫu thuật nhiều, sức khỏe chưa tốt. Khi con được bố chăm sóc theo chế độ, thể lực ổn định, thì bài vở lại ngày một nặng hơn.
Bôm không gập được các đốt ngón tay, đàn khó hơn các bạn nên mất rất nhiều sức. Tuy nhiên, tôi không bao giờ tạo cho con tâm lý mình đặc biệt hơn mọi người. Ở trường, các thầy đối xử với con công bằng như các bạn. Bởi môi trường chuyên nghiệp không có chỗ cho sự ưu ái.
Tôi ngày nào cũng đưa Bôm đến trường, mang theo hai ba lô, đựng cháo, đồ uống, áo để thay vì mồ hôi ra nhiều sau khi tập. Hai năm nay, bố con đi tàu điện nên đỡ vất vả hơn. Con học, tôi ngồi cà phê hoặc đi làm việc, đến giờ quay lại đón. Những lúc tôi đi làm xa, mẹ Bôm phụ trách chăm con. Mẹ chiều hơn nên cu cậu hay vòi vĩnh, "bắt nạt".
- Anh chuẩn bị những gì cho con trong chặng đường sắp tới?
- Giờ Bôm được tính là dân chuyên, có thể đi biểu diễn kiếm tiền. Một số bạn của con đã lập ban nhạc, biểu diễn ở sự kiện, rủ con tham gia. Nhưng Bôm chưa chỉnh hàm, vẫn phải ăn cháo, khó theo được các bạn.
Tôi từng định cho con phẫu thuật trong năm nay, nhưng như vậy phải nghỉ mất một thời gian, lỡ lịch thi. Đợt tới, các bác sĩ người nước ngoài sẽ sang thăm khám cho con, có lẽ phải kéo chỉnh vài lần mới ổn. Sau đó, chuyên gia sẽ tính phương án trồng răng implant toàn hàm. Như vậy con mới có thể nhai đồ cứng, ăn uống bình thường, phát âm rõ hơn. Xong chuyện răng miệng rồi, tôi lại phải tính cho con phẫu thuật thẩm mỹ để cu cậu được đẹp trai. Nói chung, chặng đường phía trước vẫn còn dài. Tôi chỉ mong con sớm được như bạn bè, sinh hoạt bình thường.
Giờ tất cả tâm trí, sức lực của tôi vẫn dồn hết cho con, cố gắng trang bị cho con đủ kiến thức, kỹ năng sống. Tôi vẫn nói thẳng với cháu: "Đến một lúc nào đó, bố sẽ già và chết đi và con phải tự lập. Cố gắng tích lũy kinh nghiệm để có một cái nghề và kiếm sống".
- Anh cho con lời khuyên gì trong nghệ thuật?
- Con xem bố đóng kịch, đóng phim và rất thích. Tôi giảng giải cho con rằng làm nghệ thuật không đơn giản, mỗi người phải có trách nhiệm với khán giả của mình. Tôi nói: "Tiếng đàn thể hiện tâm trạng, tình cảm của con. Khi con buồn bực, để tâm trạng ảnh hưởng, người nghe sẽ nhận ra ngay. Nếu đàn không hay, con phải làm gì, chẳng lẽ đền tiền cho khán giả?".
Bôm có ưu điểm là chăm chỉ, ý thức tự giác cao. Nhiều ngày, tôi phải nhắc con nghỉ ngơi, đi ngủ sớm. Hai bố con ở chung cư, tôi phải gắn tấm cách âm ở nhà, trong đàn, để giảm tiếng ồn, tránh ảnh hưởng hàng xóm. Thầy giáo còn tặng con một cây đàn organ để chơi thay piano những lúc quá muộn.
- Con trai anh thay đổi thế nào khi bước sang tuổi 22?
- Con điệu, chăm chút ngoại hình hơn. Bôm bắt đầu có nhu cầu kết bạn, được các bạn ở trường quý vì hiền lành, thật thà. Sau buổi tốt nghiệp, bạn cùng lớp rủ Bôm đi ăn liên hoan. Tôi cảm ơn nhưng phải nói: "Các cháu thông cảm vì giờ bạn không ăn được đồ cứng". Đôi lúc, con tủi thân, hơi cáu kỉnh. Tôi lại phải làm bạn, hỏi han, tâm sự. Tôi dạy con uống cà phê, uống bia, để sau dễ kết giao, hòa nhập.
Ở nhà, con vẫn ngây thơ, gọi bố là anh, hay đùa. Có lúc khách đến nhà, ngứa lưng, cu cậu vẫn quay ra nhờ bố gãi. Cuộc sống này vốn nhiều vất vả, buồn đau, nên tôi nghĩ con hồn nhiên vậy cũng là cái hay. Tôi không cho Bôm dùng Facebook, bởi sợ mạng xã hội tác động tiêu cực đến con. Giờ nghỉ, con vẫn được lên mạng tra cứu thông tin, xem phim. Thỉnh thoảng, thấy ảnh các diễn viên đẹp đóng với bố một thời, con lưu về trong máy.
- Anh làm gì để có kinh tế lo cho con học đàn, chăm sóc sức khỏe?
- Trước kia, trường có cấp học bổng cho Bôm. Tôi từ chối vì muốn dành cơ hội cho các bạn khó khăn hơn, còn khi nào hai bố con đói quá thì lại xin (cười). Còn tiền phẫu thuật, nhất là những ca phải ra nước ngoài, thì chi phí rất cao. Những năm qua, tôi làm đạo diễn phim ngắn, TVC, tiểu phẩm. Phải nói thật là làm đạo diễn thu nhập tốt hơn diễn viên. Thế nhưng, cái nghề của tôi cũng giống như người đi câu vậy, có đợt công việc dồn dập, nhưng có lúc chẳng có gì làm.
- Anh nghĩ sao về việc trở lại màn ảnh nhỏ?
- Năm qua, tôi đóng ba phim, trong đó có vai phụ trong Người vợ cuối cùng của Victor Vũ. Tôi cũng phải chấp nhận thực tế là mình đã già, giờ chỉ còn có thể đóng các ông bố, những vai không có nhiều đất diễn nên không quá hào hứng. Ngày xưa, tôi toàn đóng vai chính, được trọng vọng ở đoàn phim, giờ đi làm vai ngắn cũng có chút chạnh lòng. Giờ không có ông Tuấn thì cũng có hàng trăm ông khác chờ đóng những vai như vậy. Nên tôi nghĩ mình cứ ẩn đi, lưu lại ký ức những vai diễn xưa trong lòng khán giả, có khi như thế lại hay hơn.
Bôm tên thật là Nguyễn Anh Tuấn, mắc bệnh Apert khiến đường thở hẹp, phải trải qua hơn mười cuộc phẫu thuật ở nước ngoài từ khi ba tuổi. Cậu từng đeo một khung to trên mặt và mỗi ngày chịu đau đớn khi nới vít để định hình gương mặt, nới đường thở.
Nghệ sĩ Quốc Tuấn, 63 tuổi, tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh. Anh nổi tiếng qua các phim như Người thổi tù và hàng tổng, Những người sống bên tôi, 12A và 4H. Nhiều năm nay, anh chủ yếu viết kịch bản phim, TVC, tiểu phẩm, đạo diễn phim ngắn để có chi phí, tiện chăm sóc con trai. Quá trình anh đồng hành con truyền cảm hứng cho nhiều khán giả.
Năm 2021, Quốc Tuấn tái xuất với vai diễn trong vở kịch Cuộc chiến không cân sức. Năm ngoái, nghệ sĩ tham gia một vai phụ trong phim Người vợ cuối cùng, đánh dấu sự trở lại sau 18 năm vắng bóng điện ảnh.
Hà Thu