![]() |
Diễn viên Quốc Tuấn. |
- Anh thường được giao những vai anh bộ đội, anh nông dân hiền lành đến độ ngờ nghệch, nếu là anh chàng trí thức tử tế thì thế nào cũng bị vợ xỏ mũi. Anh giải thích thế nào về điều này?
- Có lẽ cái mặt của tôi "tử tế" quá nên các đạo diễn chỉ giao cho tôi những vai diễn tử tế. Ở mỗi vai, tôi luôn tìm cách thể hiện lối diễn riêng, nếu khán giả bình tâm nhìn lại sẽ thấy điều tôi nói là đúng. Ví như trong bộ phim 12A và 4H, tôi vào vai nhân vật chính diện nhưng lại là một ông thày giáo ngộ nhận tài năng và nhu nhược. Ở Người thổi tù và hàng tổng, đó là một anh trưởng thôn láu tôm láu cá, và anh ta đâu có sợ vợ... Trong Chiều tàn thu muộn là một anh chàng họa sĩ không sống được bằng nghề trong cơ chế thị trường, chính vì vậy mà anh ta bất lực trong chính ngôi nhà của mình... Đã là diễn viên thì ai cũng muốn thử nhiều loại vai khác nhau, nhưng thử nhìn vào sân khấu hay trong lĩnh vực điện ảnh, truyền hình mà xem, quá thiếu những nhân vật phản diện mang cái vẻ bề ngoài nhân hậu, tốt bụng nhưng ẩn chứa sâu xa trong con người anh ta một tâm hồn què quặt, dị dạng. Một tính cách người đang tồn tại nhan nhản trong xã hội. Và tôi muốn thể hiện một vai diễn như vậy.
- Vậy vì sao thời gian gần đây anh không tham gia đóng phim truyền hình?
- Số lượng phim truyền hình sản xuất mỗi năm một tăng nhưng các gương mặt diễn viên thì "không kịp mới". Các đạo diễn muốn phim mình mới phải tìm bằng được các gương mặt mới, và họ ưu ái những diễn viên này quá mức. Biết kế hoạch ngày mai đoàn quay, có cô vẫn đi chơi đến 2-3 giờ sáng mới về, hôm sau ra trường quay mắt sưng húp, người như mất hồn, tập đi tập lại không nổi, đầu óc làm sao tập trung cho vai diễn được vì... buồn ngủ! Thử hỏi làm sao tôi có cảm hứng để diễn xuất với diễn viên đó được, trong khi cô ta vào vai người yêu, người vợ của tôi... Tôi không thể chịu đựng được điều đó.
- Nhân vật nào làm cho anh ấn tượng nhất?
- Một lần tôi đang đi trên đường Hoàng Hoa Thám thì đột nhiên có một ông đeo lon đại tá quân đội đi bên cạnh tôi. Ông hỏi: Anh có phải là Quốc Tuấn không? Tôi chột dạ, hay là mình tán tỉnh con gái ông ấy mà không biết, thế là tôi liền từ chối vào quán uống nước theo lời mời của ông. Ông bảo, bộ phim Những người sống quanh tôi đã làm ông xúc động vì cuộc đời của anh chàng Thi chính là cuộc đời của ông. Ở nhà, ông luôn để sẵn một chai rượu để mời bằng được Quốc Tuấn... Không chỉ có người lính nọ mà rất nhiều người yêu thích Những người sống quanh tôi. Một vị giáo sư từng nói với tôi rằng: "Cũng như nhân vật Thi, tôi từng bị vợ con rất coi thường vì không kiếm được ra tiền. Thế hệ chúng tôi không hiếm những ông tiến sĩ, giáo sư trong thời bao cấp phải lao động tay chân để kiếm tiền nuôi vợ con". Có lẽ đó là vai diễn tôi nhớ nhất và tôi kể câu chuyện vui này để nói rằng kịch bản chúng ta ngày hôm nay vẫn theo lối một chiều, người tốt thì tốt quá, mà đã là người tốt thì phải đi xe đạp, nghĩa là họ phải nghèo... Tôi không thích lối tư duy đó.
- Anh nói như vậy có ngại các nhà làm phim truyền hình "tự ái" vì trên thực tế phim truyền hình vẫn là cơ hội cho sự "nổi tiếng" của nhiều diễn viên, trong đó có anh?
- Tôi vẫn luôn nói rằng tôi là người có duyên với truyền hình hơn cả sân khấu và điện ảnh đấy chứ. Không chỉ riêng tôi mà đối với nhiều diễn viên trẻ, phim truyền hình thực sự là cơ hội để chúng tôi có điều kiện làm nghề, có thu nhập bằng nghề một cách chính đáng và được mọi người biết đến mình.
- Ước mơ của anh bây giờ là gì?
- Ước mơ ư, tôi đang tìm cách biến ước mơ của mình trở thành hiện thực. Tôi đã tốt nghiệp đạo diễn Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Và đó là cách tốt nhất để tôi tìm ra lối thoát cho chính tôi: tôi sẽ làm phim. Nếu tôi nói điều này, mọi người sẽ bảo tôi chưa làm được gì đã "lên giọng": tôi sẽ "tẩy rửa" cái cung cách làm phim dễ dãi và cẩu thả để cố gắng gạn lọc những bộ phim có chất lượng cho người xem... Mỗi người có quyền chọn hướng đi cho mình và cũng tự cho mình cái quyền được ôm mộng.
(Theo Thanh Niên)