Nhạc sĩ là một trong những khách mời của hội thảo Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số, sáng 23/8.
Với hơn 20 năm kinh nghiệm sáng tác, sản xuất CD cho nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tại Việt Nam, giám đốc và nhà sản xuất Lễ hội âm nhạc Quốc tế Gió mùa (Monsoon Music Festival) kể từ năm 2014, Quốc Trung cho biết chuyển đổi số và sự xuất hiện của AI mang đến nhiều lợi ích. Tuy nhiên trong sáng tạo văn hóa, năng lực của con người mới tạo nên thành công.
Riêng lĩnh vực âm nhạc tại Việt Nam, Quốc Trung cho rằng nghệ sĩ có thể tham khảo sự hỗ trợ của AI nhưng không được phụ thuộc, bởi điều này dễ khiến họ lười sáng tạo, chỉ dựa trên những cái có sẵn và tạo những sản phẩm xu hướng tạm thời. "AI khó có thể thay thế con người", nhạc sĩ nói. Với những người viết nhạc, AI không thể viết nên những lời ca truyền tải chính xác tâm tư của tác giả, bởi tiếng Việt có sự đa nghĩa, gợi tả nhiều cảm xúc.
Ngoài Quốc Trung, các khách mời bàn về những thách thức trong kỷ nguyên số như vấn đề bản quyền tác giả, mất an toàn, an ninh mạng, tác động trực tiếp đến quyền và sinh kế của những người thực hành văn hóa, nhà sáng tạo.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh - Phó Chủ tịch cấp cao BHD, đơn vị chuyên về truyền hình, sản xuất và phổ biến phim - cho biết Việt Nam là quốc gia tiềm năng cho bất kỳ nền văn hóa nào, trong đó có điện ảnh. Tuy nhiên, người Việt chưa có nhiều nhận thức về khái niệm "tài sản trí tuệ".
Năm 2017, sau khi BHD phát hành phim Cô Ba Sài Gòn, một cá nhân đã quay lén và phát tán trên các nền tảng nhằm trục lợi bất chính. Tuy nhiên khi đơn vị tìm gặp, người này giải thích rằng không hề biết đó là việc làm sai trái. Trường hợp này chỉ bị xử phạt 3 triệu đồng - con số được cho là rất nhỏ so với giá trị mà êkíp làm phim đã đầu tư.
Bà Bích Hạnh nhận định việc giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu giá trị của tài sản là điều cần thiết. Ngoài ra, pháp luật cần coi đây là sản phẩm của ngành công nghiệp văn hóa và định giá chung, đồng thời, có chính sách xử phạt nghiêm minh cho hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ.
Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp văn hóa Hoàng Long Huy (Cục Bản quyền Tác giả) cho rằng việc xử lý vấn đề vi phạm bản quyền cần có sự hợp tác thông qua các hiệp hội và tổ chức có thẩm quyền. Ông nhận định cần có tòa án riêng biệt xử lý những sai phạm về luật sở hữu trí tuệ.
Theo nhạc sĩ Quốc Trung, xây dựng một ngành công nghiệp văn hóa vững mạnh là sự gắn kết của một tập thể. Đây là nhiệm vụ của cả doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực sáng tạo. "Mỗi người trong cơ quan quản lý cần đồng lòng, tạo một khối chung để cùng phát triển, tạo ra những sản phẩm nghệ thuật có giá trị", nhạc sĩ nói.
Ông Choi Seung Jin - giám đốc Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam - cho biết Việt Nam có thể áp dụng những chính sách phát triển văn hóa mà họ đã thực thi thành công, nhờ nét tương đồng giữa hai nước.
Tại hội thảo, ông trình bày về sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa tại Hàn Quốc, từ năm 1996 đến nay. Trong đó, ông Jin nhấn mạnh vai trò đặc biệt của Chính phủ trong việc hỗ trợ tài chính, xây dựng những quỹ riêng biệt dành cho ngành nội dung văn hóa của quốc gia. Các cơ quan trực tiếp vận hành sẽ sử dụng quỹ này để đầu tư cho những sản phẩm văn hóa tiềm năng.
Hàn Quốc cũng có nhiều cơ quan, ủy ban, quỹ trực thuộc Chính phủ, thực hiện những chính sách phát triển khác nhau để tiến hành hợp tác văn hóa đa phương. Quốc gia này cũng quan tâm đến các công nghệ hỗ trợ bảo vệ bản quyền cho lĩnh vực sáng tạo nội dung.
Ông Jin ấn tượng với đội ngũ nhân lực trẻ, sáng tạo và những giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời tại Việt Nam. "Đây là cơ hội tốt để Việt Nam phát triển nhanh chóng về lĩnh vực văn hóa", ông nói.
Bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch - cho biết các kết quả ghi nhận tại hội thảo góp phần quan trọng giúp Bộ xây dựng Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và trình Chính phủ phê duyệt.
Phương Linh