Nhạc sĩ Quốc Trụ và ca sĩ Mỹ Tâm. |
- Sau thành công của Mỹ Tâm trên sân khấu ca nhạc, rất đông người tìm đến ông mong “tầm sư học đạo”, ông nghĩ sao về điều này?
- Nhiều người theo học thanh nhạc thì mừng chứ, không phải vì mình có tiền đâu, mà vì nghề của mình được sử dụng. Mấy năm nay phong trào học hát phát triển, cả thành phố học hát, nên giảng viên thanh nhạc có giá chẳng kém gì ca sĩ đâu (cười). Số học sinh tôi trực tiếp giảng dạy cũng lên tới hơn 100.
- Nhưng không phải ai học thanh nhạc, là trò thầy Quốc Trụ, cũng có thể trở thành Tạ Minh Tâm, Nam Khánh, Mỹ Tâm?
- Ngoài khả năng về giọng hát, điều quan trọng là các em phải có ý thức cầu tiến. Mỹ Tâm là một ca sĩ như vậy. Cô bé ngờ nghệch từ Đà Nẵng vào đây, rất chịu khó, luôn có ý chí vươn lên. Ngay cả khi tham gia bên Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM, đã đạt được một giải thưởng quốc tế, Tâm vẫn dành thời gian cho việc học ở trường. Một vài đồng nghiệp của Tâm có hoàn cảnh tương tự đã không làm được như vậy, khiến việc học tập phải bỏ dở. Bài thi tốt nghiệp hệ trung cấp thanh nhạc của Mỹ Tâm (hát 9 bài trong vòng 30 phút) đạt điểm thủ khoa (9,5) là kết quả của một quá trình chuẩn bị nghiêm túc.
Các em tìm đến các thầy là tìm đến kỹ thuật. Bất cứ thể loại hát nào cũng cần có kỹ thuật, phải biết phát âm, mở miệng, biết thở, đẩy hơi, dựng tiếng.... Sau đó các em phát triển, tự tìm cho mình một phong cách, một con đường đi riêng. Ca hát là bộ môn nghệ thuật có quy luật đào thải rất khắc nghiệt, vì vậy phải nắm cho được kỹ thuật rồi hãy tự do buông mình sáng tạo.
- Trong số các học trò ông đang dạy hiện nay có nhiều gương mặt triển vọng không?
- Khánh Trang mới tốt nghiệp xuất sắc với 5 điểm 10, giọng nữ cao, có lẽ là cao nhất hiện nay. Ngô Công Lâm giọng nam trung rất đẹp, Phạm Thế Vỹ giọng nam cao, cả hai cũng sắp tốt nghiệp. Còn ở lớp Nhà văn hóa Thanh niên, một số em đang chuẩn bị thành lập nhóm, rất có năng lực. Tôi cũng đang nhận dạy riêng cho Nghi Văn, em này cùng lứa với Mỹ Tâm, hiện được một công ty ở TP HCM đầu tư. Tôi nghĩ Nghi Văn sẽ thành công.
- Ông nghĩ thế nào về chuyện ca sĩ không hát, chỉ nhép miệng hiện nay, trong đó Mỹ Tâm cũng không là ngoại lệ?
- Trong suốt 25 năm dạy ở Nhạc viện, bên cạnh việc dạy kỹ thuật, tôi luôn nói với các em phải đề cao phẩm chất của người nghệ sĩ. Bản thân Mỹ Tâm đã tự ra đời và độc lập với con đường nghệ thuật của mình nhưng hễ gặp là tôi luôn nhắc nhở, dặn dò Tâm 3 điểm: phải suy nghĩ chín chắn trước khi phát biểu; phải chú ý cách ăn mặc; về chuyên môn, phải luôn xứng đáng là học sinh của Nhạc viện, là học trò của thầy Quốc Trụ. Thực sự, tôi luôn theo dõi từng bước đi của các học trò, vui với thành công của họ, và cũng buồn khi nghe than phiền của khán giả, báo chí.
Hát nhép miệng đối với ca sĩ là điều không chấp nhận được, đó là một sự lừa dối đáng hổ thẹn. Nhưng ở ta có chuyện thế này: ca sĩ đến hát tụ điểm, ông bầu hỏi luôn: “Có minidisc không?”. Nhiều nơi bắt buộc ca sĩ đi hát phải có minidisc, để họ giảm chi phí thuê ban nhạc. Các nhà tổ chức đã tạo điều kiện cho lối làm ăn gian dối đó. Lại nữa, một đêm mà chạy sô 7-8 nơi, có khi chạy sô đường dài, tới nơi lại phải nhảy đùng đùng như vận động viên aerobic trên sân khấu, vậy thì sức đâu mà hát.
(Theo Thể Thao - Văn Hóa)