Tại hội thảo "30 năm đổi mới quân sự quốc phòng, thành tựu và kinh nghiệm" tổ chức ngày 16/12, PGS Đinh Ngọc Hải, Viện trưởng Sử học, đã có bài tham luận đề cập đến chính sách nuôi quân thời phong kiến thu hút sự chú ý của đại biểu.
"Ngụ binh ư nông" là chính sách quân sự nảy sinh và phát triển ở nước nông nghiệp luôn phải đương đầu với kẻ thù xâm lược hùng mạnh như Việt Nam. Ngụ binh ư nông được hiểu là gửi binh lính ở nông thôn khi quốc gia vô sự, lúc có giặc thì toàn dân là lính. Đây là chính sách kết hợp xây dựng quốc phòng với kinh tế, các triều đại Lý, Trần, Lê đều áp dụng hiệu quả.
Ngụ binh ư nông gửi quân sĩ làm nông nghiệp theo lối thay phiên nhau. Khi dân số đất nước ít, trai tráng từ 18 tuổi trở lên, khỏe mạnh đều phải làm nghĩa vụ quân sự. Đinh tráng được huấn luyện, có kiến thức tối thiểu về võ nghệ. Họ đều là quân dự bị, cần điều động là có ngay, ai nấy biết rõ quân ngũ của mình.
Thời Âu Lạc, An Dương Vương sai đắp thành Cổ Loa, tướng Cao Lỗ huấn luyện 10.000 quân sĩ, vừa huy động quân dân đắp thành, đồng thời đắp đê phòng lũ. Trong nghìn năm chống Bắc thuộc, các anh hùng dựng cờ khởi nghĩa thường tập hợp anh em, họ hàng trong làng xã trước khi khởi nghĩa lan ra cả nước.
Từ thế kỷ X, nước nhà giành độc lập lâu dài, quân đội các triều đại phong kiến được xây dựng quy củ, phép tắc, điển chương, cần có chính sách rõ ràng. Chính sách ngụ binh ư nông ra đời và dần định hình rõ nét.
Sử cũ chép rằng, năm 974 Đinh Tiên Hoàng tổ chức quân thập đạo, trong đó quân lính làm ruộng là chính và khi cần là binh. Đội quân ấy chống Tống, phạt Chiêm thắng lợi. Sau năm 982, đất nước không còn chiến tranh thì các vua nhà Tiền Lê, từ Lê Hoàn tới Lê Long Đĩnh đều huy động quân sĩ cùng dân đóng thuyền, đào sông, đắp đường. Có năm, triều đình huy động 5.000 lính của Châu Hoan (Nghệ Tĩnh) đi sửa sang đường đất từ Nghệ Tĩnh đến giáp Đèo Ngang.
Thời Lý, vua Lý Thái Tổ đã phát triển quân đội ngày càng quy củ và mở rộng hơn, chính sách ngụ binh ư nông vì thế cũng đi vào quy chế. Quân đội thời Lý gồm quân triều đình (cấm quân) có khoảng 3.200 người, là lực lượng thường trực bảo vệ kinh thành Thăng Long. Quân địa phương gồm quân đội đóng ở các châu, lộ do quan trấn thủ chỉ huy, không có số nhất định, gọi là sương quân cùng quân của các vương hầu, quý tộc và quân của tù trưởng miền núi, gọi là thổ binh.
Khi chiến tranh với Chiêm Thành, triều đình huy động được 30.000; trong kháng chiến chống Tống huy động được 60-100 nghìn trong số dân ước tính 3-4 triệu.
Nhà Lý thi hành "Luật Nghĩa vụ quân sự", dân đinh đến 18 tuổi phải đăng ký vào sổ bìa vàng, gọi là hoàng sách, nên hạng đinh này được gọi là hoàng nam. Đinh trên 20 tuổi gọi là đại hoàng nam. Cấm quân có số nhất định, tuyển các đại hoàng nam khỏe mạnh và giỏi võ bổ sung vào. Số còn lại ở nhà sản xuất, tham gia dân đinh, sẵn sàng vào quân đội khi có lệnh triều đình nên không có con số nhất định.
Đối với quân thường trực, nhà nước quy định chế độ "chia phiên". Khi đất nước hòa bình thì chỉ có cấm quân là phải trực thường xuyên để bảo vệ kinh đô, còn các quân khác thì chia phiên, một bộ phận trực tại ngũ, luyện tập và canh phòng, một bộ phận trở về sản xuất. Khi đất nước có giặc, tất cả trở lại quân ngũ để chiến đấu.
Sách An Nam chí lược (bộ sử triều Trần) chép "Quân không có số nhất định. Người dân nào đến tuổi cũng phải đăng lính, nhưng hàng tháng họ vẫn được thay nhau về làm ruộng". Còn sách Lĩnh ngoại đại đáp (viết đầu thế kỷ XII, thời Lý) chép cụ thể hơn "Binh lính một tháng một lần thay nhau nghỉ, để cày cấy tự cấp. Hàng năm vào ngày mồng bảy tháng giêng, mỗi người lính được phát 300 đồng tiền, một tấm lụa, mười bó lúa". "Lúc chinh phạt thì cất quân giao cho các tướng, Nếu quân không đủ thì lấy dân binh mà dùng. Việc xong lại trở về cày ruộng", sách Đại việt sử ký của Ngô Thì Sĩ chép.
Chính sách ngụ binh ư nông thời Lý giúp triều đình cân đối giữa quân thường trực và quân dự bị. Bình thường chỉ có 30-50 nghìn quân, một bộ phận luân phiên về sản xuất, nhưng khi có chiến tranh thì triều đình huy động được hơn 100.000 quân.
Chính sách thời Lý được nhà Trần, nhà Lê vận dụng. Dưới triều Trần, thời bình thì quân cấm vệ và quân các lộ không đầy 100.000, chỉ trong kháng chiến chống quân Nguyên - Mông mới huy động đến 200.000, chưa kể quân đội riêng của các vương hầu.
Nhà sử học Phan Huy Chú đã có nhận xét xác đáng "Thời Trần, phục binh ở nơi thuận tiện, lúc vô sự thì cho về làm ruộng, khi có động thì chiếu sổ gọi tên ra hết" cho nên "binh vẫn đủ mà không phải chi phí nhiều, càng thêm hăng hái chống thù. Vậy nên thời Trần ai cũng là binh nên mới phá được giặc giữ, làm cho thế nước được mạnh". "Chiến công dẹp quân Chiêm, phá tan quân Tống (thời Lý), cái oai hùng ba lần đánh bại quân Nguyên (thời Trần) cũng đủ cho biết binh lực hai đời cường thịnh thế nào".
Trong kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần hai, vua Trần triệu tập các bô lão về kinh thành Thăng Long dự Hội nghị Diên Hồng. Vua hỏi ý kiến nên "Hòa" hay "Đánh", chỉ nghe đồng thanh một lời hô "Đánh". Việc triệu tập hội nghị cho thấy trước nạn ngoại xâm, triều đình biết tìm sức mạnh nhân dân. Bộ lão là đại biểu đầy uy tín của toàn dân đem về hội nghị tiếng nói quyết chiến, sự ủng hộ toàn dân đối với chủ trương của triều đình. Từ đó, bô lão cũng đem chủ trương của triều đình truyền đạt về làng xã, động viên toàn dân đánh giặc.
Ba lần chống Nguyên - Mông là ba lần toàn dân là lính. Nhiều làng xã tự tổ chức bố phòng như một cứ điểm, giặc không sao vào được. Nắm tình hình địch, chuẩn bị trận địa, nghi binh... quân triều đình đều phải dựa hết vào dân.
Trong trận quyết chiến Bạch Đằng (1288), bà hàng nước ở bến đò báo cho Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tình hình thủy triều lên xuống, người dân nghi binh lừa giặc, phá cầu ngăn toán quân bộ phối hợp quân thủy của địch, cùng quân triều đình chuẩn bị trận địa cọc ngầm, bè mảng hỏa công... Sau chiến thắng, vua Trần sắc phong cho làng Yên Giang và một số làng khác có công lớn là "nghĩa dân" và trọng thưởng nhiều dân thường có công khác.
Thời Lê, ngoài việc tiếp tục gửi binh nơi đồng ruộng, quân đội còn trực tiếp làm ruộng. Số quân thường trực khi này có khoảng 100.000. Vua Lê chia thành 5 phiên, cứ lần lượt thay nhau một phiên "lưu ban" (nay gọi là thường trực), còn 4 phiên về làm ruộng. Số quân thường trực thực chất chỉ có 20.000. Năm 1466, số quân chia làm 2 ban, nửa về làm ruộng, nửa tại ngũ. Cuối thế kỷ XV, lính coi ngục và lính nấu bếp cũng được luân phiên về làm ruộng. Quân thường trực thời vua Lê Thánh Tông có khoảng 80.000 (trong hơn 800.000 suất đinh). Nhưng khi cần thì huy động được 250-300 nghìn một cách dễ dàng.
"Ngụ binh ư nông" giúp các nhà nước phong kiến Việt Nam duy trì lực lượng quân đội cần thiết, đồng thời lại có quân dự bị đông đảo tại làng xã, sẵn sàng huy động khi nước có giặc. Qua đó, giảm thiểu tối đa gánh nặng cho triều đình và nhân dân trong việc nuôi quân và vẫn sản xuất nông nghiệp, đảm bảo lao động ở nông thôn không bị thiếu.
PGS Đinh Quang Hải
Viện trưởng Sử học