Công trình mở rộng quốc lộ 8B dài 10 km, qua huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) khởi công năm 2010 được chia làm nhiều gói thầu nhỏ, thi công từng đoạn. Trong đó đoạn đường dài khoảng 800 m, mặt cắt rộng 24 m qua thị trấn Nghi Xuân vừa hoàn thành, chuẩn bị được bàn giao cho chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Nghi Xuân (thuộc UBND huyện Nghi Xuân).
Mới đây, nhiều người dân ở Hà Tĩnh phản ánh, quá trình xây dựng tuyến quốc lộ, hầu hết gia đình hai bên đường đã lùi nhà vào trong để nhường đất cho công trình. Tuy nhiên, con đường khi đi ngang nhà thờ họ Đặng lại bị thu hẹp bất thường.
"Mọi người đi qua đều nhìn thấy quốc lộ cong mềm mại để tránh nhà thờ họ. Hàng rào nhà thờ có đoạn lồi ra quốc lộ khoảng 1,7 m", một người dân nói và cho biết họ Đặng là dòng họ lớn ở địa phương có con cháu là lãnh đạo tỉnh.
Ông Nguyễn Xuân Hải (Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Nghi Xuân) thông tin, đoạn mở rộng quốc lộ 8B qua nhà thờ họ Đặng có tổng vốn 16 tỷ đồng. Quá trình triển khai, UBND huyện đã mời dòng họ, Sở Văn hóa làm việc nhiều lần, song không tìm ra sự đồng thuận, nên đơn vị đã thi công ''tránh'' nhà thờ.
"Xét thực tế thì diện tích đất nhà thờ không còn để lùi, vì phía sau rất hẹp. Giải pháp khả dĩ là tìm miếng đất khác thay thế nhưng không đơn giản'', ông Hải nói.

Sau khi quốc lộ 8B hoàn thành, khuôn viên nhà thờ có chỗ ''lồi'' ra bên ngoài. Ảnh: Đức Hùng.
Chủ tịch Hội đồng dòng họ Đăng - ông Đặng Duy Thiện cho rằng, nhà thờ không phải lấn đường mà "có từ trước khi tuyến đường này được xây dựng". Theo ông Thiện, các đinh trong dòng họ dù giữ chức vụ gì cũng không có quyền can thiệp vào việc họ.
''Khi làm đường, dòng họ và đại diện chính quyền địa phương đã họp, song không thể thống nhất chuyện di dời. Hội đồng gia tộc có nhiều người dứt khoát không đồng ý, bản thân tôi không thể quyết định. Hơn nữa nhà thờ rất thiêng, khi đưa ra quyết định gì cũng phải e dè'', ông Thiện cho hay và khẳng định nếu nhà nước quyết định di dời nhà thờ để làm đẹp hành lang đường thì "quan điểm của chúng tôi là lợi ích dòng tộc nằm dưới lợi ích quốc gia".
Ông Nguyễn Cảnh Thụy, Phó giám đốc sở Văn hóa Hà Tĩnh bày tỏ quan điểm, Sở là đơn vị quản lý nhà nước, còn quản lý trực tiếp nhà thờ là dòng họ, chính quyền địa phương. Do vậy, khi tu bổ, tôn tạo di tích thì địa phương, dòng họ phải đề xuất phương án, tuy nhiên Sở chưa nhận được bất kỳ đề xuất nào.
''Về cảm quan, Sở không biết con đường lồi lõm thế nào và không thể can thiệp vấn đề đó. Để có hướng xử lý thì trước hết chủ sở hữu di tích và địa phương cần có văn bản, sau đó Sở mới đưa ra ý kiến'', ông Thụy nói.

Khuôn viên đền thờ lồi ra lòng đường rộng nhất là 1,7 m, hẹp nhất là 1,2 m. Ảnh: Đức Hùng.
Nằm trên quốc lộ 8B đoạn đi qua khối 3, thị trấn Nghi Xuân, Hà Tĩnh, đền thờ Quan ngự sử Thiếu bảo Liêu quận công Đặng Sĩ Vinh được UBND Tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng di tích văn hóa cấp tỉnh năm 2003.
Theo một số tài liệu, đền thờ được xây từ thế kỷ 17, khuôn viên rộng 283 m2, sau này con cháu họ Đặng ở Hà Tĩnh xem đây là nhà thờ dòng họ, thường xuyên lui tới thắp hương.
Đức Hùng