Điều 18, chương II về nội dung công tác kế toán nêu: Chứng từ điện tử được coi là chứng từ kế toán khi tên và số hiệu, ngày tháng năm lập, tên địa chỉ cá nhân lập chứng từ kế toán... được thể hiện dưới dạng dữ liệu điện tử, được mã hóa mà không bị thay đổi trong quá trình truyền qua mạng máy tính hoặc trên vật mang tin như băng từ, đĩa từ, các loại thẻ thanh toán.
Theo Ban soạn thảo, chứng từ điện tử là một vấn đề mới mẻ và trên thực tế Chính phủ cũng chỉ đang trong quá trình vừa nghiên cứu, vừa thử nghiệm. Ngay ở những nước đã sử dụng rộng rãi, vẫn còn có ý kiến khác nhau về nội dung, chữ ký, tính pháp lý của nó. Do đó, dự luật lần này không quy định cụ thể về nội dung chứng từ và chữ ký điện tử.
Dù sao thì "đây cũng là một bước tiến để chúng ta có thể đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động xã hội" - ông Mai Anh khẳng định. Theo đại biểu tỉnh Khánh Hòa này, từ trước đến nay, chưa văn bản pháp quy nào cho phép dùng công nghệ thông tin thay thế cách làm kế toán truyền thống. Do vậy các bộ, ngành, doanh nghiệp vừa tiến hành kế toán, lưu trữ trên máy tính, vừa phải mở sổ kế toán, ghi chép. Xem ra, các quy định lỗi thời đang gò bó, làm giảm ý nghĩa của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kế toán.
"Nên mời chuyên gia CNTT tham gia soạn thảo". |
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đăk Lăk) phân tích hiệu quả công nghệ thông tin dưới góc độ khác: Ở các nước phát triển và trong khu vực, thất thu, gian lận thuế khó xảy ra, vì tất cả các khâu của quá trình thương mại đều được số hóa và áp thuế khi phát sinh khoản thu - chi. Chứng từ hóa đơn nhờ vậy giản tiện tối đa, vì người dân sử dụng thẻ mua hàng điện tử.
Sự lúng túng của ban soạn thảo khi đưa ra chế định thanh toán điện tử bộc lộ rõ trong những điều của dự luật kế toán. Như Điều 19 quy định, tất cả chứng từ điện tử phải được in ra, và lưu trữ như chứng từ truyền thống (Điều 40 quy định thời gian lưu trữ 5-20 năm từ ngày kết thúc kỳ kế toán). Giám đốc Saigoncoop, bà Nguyễn Thị Nghĩa (đại biểu TP HCM), nói: "Đơn vị của chúng tôi, mỗi năm phát sinh một phòng để lưu trữ chứng từ. Nếu phải giữ 20 năm thì biết làm thế nào".
Các đại biểu cho rằng chứng từ điện tử là vấn đề phức tạp, nên cần phải xây dựng một chương riêng cho vấn đề này. Đại biểu Nguyễn Lân Dũng đề nghị ban soạn thảo cần mời các chuyên gia công nghệ thông tin cùng tham gia thiết kế.
Trong kỳ họp này, Quốc hội chỉ cho ý kiến để ban soạn thảo tiếp tục chỉnh sửa. Do đó, nội dung thảo luận chỉ tập trung vào 5 vấn đề trọng tâm: quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo trong soạn thảo luật; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật; nội dung kế toán, tổ chức bộ máy kế toán, hoạt động nghề nghiệp kế toán. Đây là luật chuyên ngành nên ý kiến đưa ra khá chung chung, song hầu hết đại biểu mong muốn Luật Kế toán sẽ được thông qua vào tháng 4/2003.
Bình Yên