Chiều 28/11, đại biểu đã nhấn nút thông qua nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 13. Có 460 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm 92,56 tổng số đại biểu) trong đó 455 đại biểu tán thành với tỷ lệ 91,55%. Có 3 đại biểu không tán thành và 2 người không biểu quyết.
Quốc hội đánh giá cao các cam kết, lời hứa của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ phấn đấu thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và yêu cầu Chính phủ tập trung chỉ đạo, điều phối hoạt động của các bộ, ngành, địa phương nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong các lĩnh vực được chất vấn tại kỳ họp này, báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau.
Với lĩnh vực công thương, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển công nghiệp hỗ trợ. Có cơ chế, chính sách đủ mạnh khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp tham gia phát triển công nghiệp hỗ trợ theo cơ chế thị trường; trong đó, chú trọng thúc đẩy phát triển cơ khí chế tạo phục vụ các ngành kinh tế, nhất là phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành có liên quan tổ chức thực hiện quản lý chặt chẽ giá điện, giá xăng dầu theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp, cải tạo hệ thống cấp điện cho vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Lĩnh vực nội vụ cần khẩn trương rà soát tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước, sớm xây dựng và triển khai đề án đổi mới tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, trước hết là các quy định về cấp phó, chức danh “hàm”; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, đảm bảo bộ máy công vụ hoạt động thống nhất, thông suốt, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân; triển khai có hiệu quả việc thực hiện tinh giản biên chế, bộ máy trong năm 2015 và các năm tiếp theo...
Với lĩnh vực giao thông vận tải, Quốc hội yêu cầu phải rà soát, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các dự án; có giải pháp thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, triển khai đầu tư có trọng điểm và hiệu quả nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển đồng bộ hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển, đường hàng không trong mạng lưới kết nối giữa Việt Nam với các nước...
Bộ Giao thông được yêu cầu hoàn thành toàn bộ Dự án mở rộng Quốc lộ 1A vào cuối năm 2015 đảm bảo chất lượng; tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương thực hiện Đề án xây dựng cầu treo dân sinh, đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; phối hợp với Bộ Quốc phòng triển khai thi công đường tuần tra biên giới bảo đảm tiến độ và chất lượng; kiểm soát chặt chẽ tải trọng phương tiện vận tải, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm; tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; phấn đấu giảm tai nạn giao thông ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước từ 5% đến 10% so với năm trước trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương.
Với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, Quốc hội yêu cầu tổ chức lại hệ thống dạy nghề phù hợp, chú trọng chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo. Đồng thời, đẩy mạnh công tác dự báo, công tác hướng nghiệp, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động. Phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt chính sách hỗ trợ và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, chính sách, pháp luật về quản lý lao động người nước ngoài tại Việt Nam cần được hoàn thành sớm; quản lý chặt chẽ tổ chức, cá nhân đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; tăng tác kiểm tra, thanh tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong công tác quản lý lao động...
Hoàng Thuỳ - Nam Phương