Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An. |
Theo Chủ tịch Quốc hội, nguyên nhân chủ quan, khách quan của việc chậm trễ triển khai dự án Lọc dầu Dung Quất mà nhiều đại biểu phân tích có những khía cạnh xác đáng. Ông An cũng nhìn nhận, việc kéo dài thời gian triển khai dự án là một khuyết điểm lớn của Chính phủ: "Từ thực tế này Quốc hội cũng cần rút ra những kinh nghiệm trong quá trình triển khai giám sát dự án", Chủ tịch thẳng thắn.
Ông cho rằng, khi xây dựng những dự án mang tầm quốc gia nói chung, cần phải đảm bảo chất lượng tốt, cơ quan chức năng cần thẩm định kỹ dự án trước khi trình Quốc hội.
Công tác điều hành tổ chức, thực hiện dự án của Chính phủ phải được phân công rõ ràng, đề cao trách nhiệm cá nhân. Trong quá trình triển khai dự án, cá nhân có trách nhiệm này cần lắng nghe và có ý kiến chỉ đạo kịp thời.
Ủy ban thẩm tra Quốc hội cần thẩm tra, xem xét, báo cáo đầy đủ với Quốc hội về những ý kiến liên quan tới việc triển khai dự án một cách khách quan, khoa học.
"Ủy ban thẩm tra Quốc hội phải chủ động làm tốt hơn chức năng giám sát, vì giám sát là khâu rất yếu của Quốc hội", ông An nhấn mạnh. "Giám sát rất yếu nên công tác này phải thực hiện thường xuyên, liên tục, không được nể nang. Khi thảo luận có ý kiến khác nhau là chuyện bình thường, nhất là khi công việc gặp trở ngại, khó khăn. Nhưng nếu đại biểu lưu ý thì có thể thấy trong các báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ đều khẳng định quyết tâm triển khai dự án lọc dầu Dung Quất. Đây là ý kiến chính thống".
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, làm kinh tế phải đặt hiệu quả lên đầu. Song hiệu quả thế nào phải cân nhắc. "Đã là dự án Nhà nước thì hiệu quả kinh tế phải gắn với hiệu quả xã hội và những hiệu quả khác. Vì vậy, sự lựa chọn hiệu quả tổng hợp là đúng". Cũng theo ông An, những nước không có dầu thô còn xây dựng nhà máy lọc dầu, hóa dầu. Việt Nam có dầu thô, xây dựng lọc dầu, hóa dầu ở những cảng thuận lợi nhất định phải có hiệu quả. Chính phủ trình dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất là vì lợi ích chung của đất nước. Ông khẳng định, Chính phủ cũng như Quốc hội không bao giờ xem xét phê duyệt dự án xuất phát từ lợi ích cục bộ, vùng miền mà đứng trên quan điểm chung là lợi ích cả nước.
"Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo, kiểm điểm sâu sắc đối với chủ đầu tư và bộ ngành liên quan, khắc phục những tồn tại, yếu kém nhằm chỉ đạo triển khai xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất theo kế hoạch," ông An kết thúc ý kiến của mình.
Trước đó, giải trình thắc mắc về tình trạng thiếu điện, Bộ trưởng Công nghiệp cho biết, hành trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa ngành điện còn dài và rất gian nan. Trong khi các nước xung quanh đầu tư 7.000-10.000 KW thì VN chỉ mới 600 kw/người. Hiện nay đầu tư cho ngành điện của nước ta là 2 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định, giai đoạn sau đầu tư sẽ cao hơn.
Ngày 1/7 Luật điện sẽ có hiệu lực. Bộ trưởng cho biết đang chuẩn bị trình Chính phủ 2 Nghị định hướng dẫn thi hành để ban hành trước khi Luật có hiệu lực, nhằm đảm bảo đủ văn bản hướng dẫn. Ngoài ra, Bộ cũng đang xem xét Luật cạnh tranh trong ngành điện. Ông đề nghị Quốc hội tạo cơ chế quản lý trên cơ sở cạnh tranh trong 3 lĩnh vực: phát điện, truyền tải điện, phân phối và bán lẻ. Cạnh tranh đi theo quá trình giảm dần, tiến tới xóa bỏ độc quyền của ngành điện.
Nhóm phóng viên