Bản quy chế làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận và đáp ứng yêu cầu của đại biểu. Trong trường hợp đối tượng này không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng, đại biểu với quyền giám sát tối cao của mình có quyền yêu cầu thủ trưởng cơ quan cấp trên của tổ chức, đơn vị đó giải quyết... (Điều 16). Nhiệm vụ của đoàn đại biểu trước đây được ghi rải rác ở 4 điều, được tập trung làm rõ vào 8 điểm của Điều 24; và hoạt động của đoàn được thông báo trên các phương tiện thông tin ở địa phương (Điều 30)... Quy chế được thông qua không thay đổi nhiều so với dự thảo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dù khá nhiều điểm được các đại biểu yêu cầu chỉnh sửa. Như quy định tại Điều 1: "Nhiệm kỳ của đại biểu mỗi khóa Quốc hội bắt đầu từ kỳ họp thứ nhất của khóa Quốc hội đó đến kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa sau". Cựu bộ trưởng tư pháp Nguyễn Đình Lộc (đại biểu TP HCM) đã hai lần đề nghị ban soạn thảo làm rõ đại biểu cũ hết nhiệm kỳ vào thời điểm nào, trước, trong khi hay sau lúc kết thúc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới. Tương tự như vậy, Điều 34 nêu: "Trường hợp người bị truy cứu trách nhiệm hình sự là đại biểu Quốc hội thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đó", và "đại biểu Quốc hội bị tòa án kết án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật". Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Hiện (đại biểu Hà Nội) cho rằng, cần phải làm rõ, bởi một công dân chỉ bị coi là có tội khi bản án kết tội người đó có hiệu lực pháp luật. Hơn nữa, trong Bộ luật Hình sự quy định mức độ nặng nhẹ khác nhau với các trường hợp phạm tội do vô ý, hoặc tắc trách. Theo ông Hiện, tước quyền của đại biểu Quốc hội bất kể người đó vô tình hay hữu ý phạm tội, dù người đó chỉ bị cảnh cáo hay phạt tù... sẽ mang tính "cào bằng". Một hạn chế của dự thảo được các đại biểu nêu ra nhưng không được sửa chữa là thiếu các quy định để phát huy tính hiệu quả trong hoạt động của tập thể Quốc hội với 500 con người. Theo ông Đỗ Trọng Ngoạn, quy chế nên có những điều mang tính thi đua, để có thể đánh giá đại biểu nào, đoàn đại biểu nào giám sát thành công, chất vấn thành công. Ông cũng băn khoăn về việc hiện nay người dân có tới 4 đại biểu (ở Quốc hội và HĐND ba cấp), nhưng cử tri khi có vấn đề không biết ai có khả năng giúp mình. Lý do là cả 4 đối tượng dân biểu này chỉ biết "độc lập tác chiến". Riêng đại biểu Nguyễn Lân Dũng (tỉnh Đắc Lắc) thì tỏ ra không mấy hài lòng với bản quy chế vừa được thông qua. Theo ông, Quốc hội đã mất quá nhiều thời giờ để "biên tập" lại câu chữ, thậm chí từng dấu chấm phẩy, nhiệm vụ lẽ ra là của các đại biểu chuyên trách và các uỷ ban. Ông Dũng ủng hộ quan điểm của đại biểu Tôn Nữ Thị Ninh: Muốn tiết kiệm thời gian, Quốc hội chỉ nên thông qua "cái hồn" của luật. Bình Yên |