Trước khi bắt đầu phiên tranh luận tại quốc hội ngày 28/7, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt vấn đề "không giống bất kỳ quốc gia văn minh nào" và số lượng chó hoang "đang tăng theo cấp số nhân".
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ước tính cả nước có khoảng 4 triệu con chó hoang. Số ca mắc bệnh dại ngày càng tăng khiến chính phủ rất lo ngại.
Nếu được thông qua, luật sẽ cho phép tiêu hủy những con chó bị bệnh và có "hành vi hung hăng". Mức phạt cao nhất đối với những người bỏ rơi chó sẽ tăng gấp 30 lần, lên 60.000 lira (1.800 USD).
Giới chức phủ nhận cáo buộc cho rằng họ muốn thực hiện chiến dịch tiêu hủy hàng loạt chó hoang. Theo Tổng thống Erdogan, người dân chỉ muốn "đường phố an toàn".
Các nhóm bảo vệ quyền động vật kêu gọi tiến hành chiến dịch triệt sản hàng loạt để giải quyết vấn đề, thay vì áp dụng luật mới. Những đảng đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố sẽ đấu tranh chống lại luật này, ngay cả khi nó được thông qua.
Đảng Nhân dân Cộng hòa nắm quyền ở Istanbul và nhiều thành phố lớn khác, tuyên bố thị trưởng của họ sẽ không áp dụng luật này. Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra những tuần gần đây để phản đối dự luật.
Chính phủ cho biết các thị trưởng từ chối thực hiện luật có thể bị kết án tù. Giới chức cũng cấm khách tham quan vào tòa nhà quốc hội để tránh các cuộc biểu tình phản đối dự luật.
Cuộc tranh luận hiện nay gợi nhớ đến biện pháp xử lý chó hoang mà chính quyền Ottoman ở Thổ Nhĩ Kỳ từng áp dụng năm 1910. Khi đó, giới chức thu gom hàng chục nghìn con chó hoang ở Istanbul và đưa đến đảo hoang trên biển Marmara. Không có thức ăn hay con mồi, những con chó hoang này ăn thịt lẫn nhau và phần lớn chết vì đói.
Huyền Lê (Theo AFP)