Trong phiên họp tổ tuần trước bàn về công trình lịch sử này, hầu hết đại biểu tán thành xây dựng thuỷ điện Sơn La với mực nước dâng bình thường 210-215 m, như tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội. Tới sáng 5/12, đại diện đoàn đại biểu tỉnh Sơn La và Lai Châu (hai tỉnh lòng hồ thủy điện tương lai) cũng ủng hộ phương án này. Chủ tịch HĐND hai tỉnh, ông Thào Xuân Sùng và Vừ A Phía đều khẳng định: bà con địa phương đã đợi chờ công trình này quá lâu rồi và đã đến lúc Quốc hội phải quyết định.
“Tôi đoán Quốc hội sẽ biểu quyết tán thành tờ trình, nhưng vẫn muốn đưa ra quan điểm cá nhân”, đại biểu Nguyễn Văn Khá, Phó chủ nhiệm Ủy ban An ninh quốc phòng, bắt đầu ý kiến trái chiều của mình như vậy. Ông nói, liên doanh tư vấn Hasaco Mỹ - Thụy Điển đã khẳng định, với mực nước 205 m thôi, muốn tuyệt đối an toàn cho hạ du vẫn cần có chế độ vận hành chặt chẽ cho hồ Sơn La. Ông Khá còn tỏ ra băn khoăn về tính chính xác trong ý kiến của tổ chuyên gia 23 người, bởi chỉ 3 trong số này có chuyên môn sâu về thủy điện và thủy lực, và họ đều không bỏ phiếu cho quy mô 215 m. “Hội đồng thẩm định Sơn La phần đông là lãnh đạo các bộ, ngành, không có chuyên môn thuỷ lợi, thủy điện. Nếu tổ chuyên gia không tham mưu chính xác thì Hội đồng cũng không thể có quyết định đúng đắn được”, ông nói.
Đại biểu Nguyễn Văn Khá kiến nghị Quốc hội chưa quyết định ngay về quy mô mà giao Chính phủ huy động chuyên gia đầu ngành trong nước và mời chuyên gia nước ngoài về tư vấn. Chính phủ cần xây dựng sơ đồ về các quy mô bậc thang, mực nước dâng khác nhau để đại biểu hình dung được diện mạo công trình, biết cái lợi - thiệt để quyết định.
Nhiều đại biểu sau đó đã mạnh dạn nói lên nỗi lo lắng của mình về tính an toàn của công trình. Ông Nguyễn Ngọc Trân cho biết đã dành cả ngày chủ nhật vừa rồi để làm việc với giáo sư Nguyễn Văn Đặng, Đại học Xây dựng, người phụ trách việc tính toán các kịch bản thảm họa dẫn tới vỡ đập Sơn La và Hòa Bình. Chuyên gia này cho rằng nếu làm Sơn La 215 m, thì bậc thang Nậm Nhùn sau đó rất khó triển khai. Ông cũng nói, theo tài liệu của nhà tư vấn nước ngoài Spyco, quản lý chương trình tái định cư sẽ dễ rất nhiều với quy mô Sơn La nhỏ 180-200 m, bởi giảm bớt 11.000 dân so với phương án 215 m. Công ty này cũng nói rằng họ không được phía Việt Nam cung cấp số liệu chi tiết với phương án Sơn La nhỏ, nên chỉ có thể đánh giá chung chung là quy mô đó thì hiệu quả kinh tế thấp. Ông Trân đề nghị: Quốc hội nên dành thời gian để Chính phủ chuẩn bị chi tiết bảng số liệu tương ứng với chênh lệch mực nước từng 2 m một, từ mức 200 m đến 215 m. Trên cơ sở đó, các đại biểu mới có thể quyết định chính xác.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thoa cũng cho rằng còn nhiều băn khoăn trước khi biểu quyết quy mô công trình. Bởi theo Hội Thủy lợi, tính toán trước đây về kịch bản thảm họa dựa theo chỉ số chênh lệch mực nước dâng bình thường và mực nước dâng ở đỉnh lũ cực hạn là 5 m. Nhưng theo tính toán mới nhất, chỉ số này có thể tới 15 m, làm tăng dung tích hồ chứa lên gấp rưỡi. Còn đại biểu Hoàng Công Hoàn, Phó bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn chỉ ra mối lo ngại khác: 47% lưu vực sông Đà nằm trong lãnh thổ Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có công hàm đề nghị Trung Quốc trả lời về quy hoạch khai thác nguồn nước này, nhưng không được phản hồi.
Hầu hết đại biểu, khi tỏ ra băn khoăn về độ chính xác tài liệu của Chính phủ, đều thừa nhận Quốc hội cần phải quyết định để có thể triển khai đúng hạn dự án vào năm 2005. Họ đề nghị, trước mắt Quốc hội chỉ quyết định chấp nhận quy mô với mức nước dâng cao nhất 215 m. Mức thấp nhất bao nhiêu, Chính phủ nghiên cứu trình sau.
Buổi chiều, đại diện các cơ quan ủng hộ quy mô Sơn La thấp đã có ý kiến. Ông Đào Văn Hưng, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam cho biết, vì quy mô rất lớn của công trình, Chính phủ đã cho ban hành bộ tiêu chuẩn đặc biệt, theo các chỉ số an toàn cao nhất của CHLB Nga. Khi lập dự án tiền khả thi, dự báo động đất khu vực cấp 8 thì thiết kế đập chịu cấp 9; ngoài ra còn yêu cầu có các cửa xả sâu để có thể rút cạn nước hồ Sơn La xuống mức an toàn trong trường hợp khẩn cấp; đập phải chịu được sức công phá của vũ khí thông thường... Cũng theo ông Hưng, làm Sơn La còn để bảo vệ Hòa Bình, bởi hồ thủy điện bậc dưới cùng này chỉ có thể chịu được nước lũ 36.000 m3/giây, trong khi lũ trên hệ thống sông Đà có thể tới 49.000 m3/giây. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải cũng bảo vệ tờ trình của Chính phủ khi khẳng định trường hợp có thể xảy ra thảm họa vỡ 3 đập dây chuyền là rất hiếm. Vì kịch bản chỉ xảy ra vào thời điểm trong hoặc cuối mùa lũ, mà trước lúc ấy, theo quy trình quản lý hồ thủy điện, nước đã được rút xuống thấp để chuẩn bị tích chống lũ.
Trước các ý kiến khác nhau về công trình thế kỷ này, đại biểu Lương Phan Cừ đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến trước khi Quốc hội quyết định. Tuy nhiên, Thủ tướng Phan Văn Khải đã không có mặt. Phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được nhận xét: “Các đại biểu đã thảo luận rất trách nhiệm. Đề nghị đại biểu suy nghĩ kỹ, nêu ý kiến vào phiếu thăm dò trước khi Quốc hội quyết định quy mô công trình”.
Nghĩa Nhân