Chiều 19/6, Quốc hội thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 9, giao Chính phủ căn cứ tình hình thực tế, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở.
Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, một số ý kiến đề nghị chưa tăng lương với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, song vẫn tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo lộ trình (từ 1/7); có ý kiến đề nghị cân nhắc tăng lương với người nghỉ hưu trước năm 1995 và người hưởng trợ cấp; đề nghị tăng lương từ 31/12 hoặc trước 1/1/2021.
Tuy nhiên, Thường vụ Quốc hội cho rằng, để khắc phục tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến cân đối ngân sách nhà nước, "việc chưa tăng lương cơ sở là cần thiết, thể hiện sự đồng lòng cùng chia sẻ khó khăn với Nhà nước".
Ngoài nội dung trên, Quốc hội giao Chính phủ cắt giảm tối thiếu 70% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ Bộ Quốc phòng, Công an, Y tế; kinh phí thực hiện năm Chủ tịch ASEAN, năm Chủ tịch AIPA và các hoạt động ngoại giao quốc gia của Bộ Ngoại giao); tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020.
Trước đó sáng 20/5, báo cáo Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Quốc hội cân nhắc chưa tăng lương cơ sở với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, lương hưu từ 1/7 để "cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách".
Tuy nhiên, phát biểu tại Quốc hội ngày 15/6, đại biểu Đinh Văn Nhã - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị giữ nguyên lộ trình tăng lương từ 1/7 với người nghỉ hưu, hưởng trợ cấp xã hội và có công với cách mạng.
Theo nghị quyết được Quốc hội thông qua cuối năm 2019, lương cơ sở cho cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, lương hưu sẽ tăng lên 1,6 triệu đồng một tháng từ 1/7; mức này tăng khoảng 110.000 đồng so với năm 2018 (tương đương 7%).