Dự luật được quốc hội Phần Lan thông qua ngày 1/3 với 184 phiếu thuận, 7 phiếu chống, một phiếu trắng, trong đó khẳng định nước này chấp nhận các điều khoản của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
"Thông qua dự luật là một bước quan trọng trên con đường gia nhập NATO của chúng tôi. An ninh của đất nước là mục tiêu chung", Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Kaikkonen viết trên Twitter.
Dự luật này không đồng nghĩa Phần Lan sẽ tự động gia nhập NATO sau khi được hai thành viên cuối cùng của liên minh là Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary phê chuẩn. Sau khi quốc hội thông qua, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinsto có thể đợi tối đa ba tháng để ký thành luật, để chờ gia nhập cùng láng giềng Thụy Điển.
Ông Niinisto tuần trước cho biết có thể ký phê chuẩn luật "ngay sau khi được quốc hội thông qua", song có thể đợi "nếu có lý do thực tế và không muộn hơn cuộc tổng tuyển cử được ấn định vào tháng 4".
Phần Lan cùng Thụy Điển từ bỏ chính sách không liên minh quân sự kéo dài hàng thập kỷ và nộp đơn xin gia nhập liên minh vào tháng 5 năm ngoái, sau khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine.
Hai nước đã nhận được ủng hộ của 28/30 thành viên NATO, trừ Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Helsinki được cho là đối mặt với ít rào cản ngoại giao hơn Stockholm trong nỗ lực gia nhập NATO.
Phần Lan cho đến nay đều nhấn mạnh ưu tiên cùng gia nhập liên minh với Thụy Điển, nhưng giới quan sát cho rằng việc dự luật được thông qua tại quốc hội là tín hiệu cho thấy Helsinki đã sẵn sàng đi trước một bước. Khảo sát hồi tháng 2 cho thấy đa số người Phần Lan muốn tiếp tục quá trình gia nhập liên minh ngay cả khi Thụy Điển bị trì hoãn.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho rằng việc Phần Lan gia nhập NATO một mình có thể "làm phức tạp" quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các nước Bắc Âu, khi chỉ còn một mình Stockholm chưa nhận được bảo vệ đầy đủ từ NATO.
Quốc hội Hungary bắt đầu tranh luận về đơn gia nhập NATO của hai nước Bắc Âu ngày 28/2, việc phê chuẩn được ấn định ngày 6/3-9/3.
Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tuần cũng thông báo nối lại đàm phàn với Phần Lan, Thụy Điển vào ngày 9/3, sau khi quá trình thảo luận với Stockholm bị đóng băng do các cuộc biểu tình ở thủ đô, trong đó có vụ đốt kinh Koran trước đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ.
Đức Trung (Theo AFP)